October 3, 2023
0
(0)

sa mac 2

 

          Em tròn đóa hương. Hư ảo hương xưa. Bào ảnh như như…      

1. Đông thao thức giữa chập chờn mưa nắng. Nắng chênh vênh. Mưa chếnh choáng. Ảo mộng như sương khói hải hồ. Rằm tháng 10, tròn nhớ. Bóng trăng cứ nhập nhòa trôi vào màn đêm của những ngày dài lấp lửng…ru tình. Tình là một giọt cay cay. Tình và sầu. Sầu là một giọt cay cay khác. Mười năm chớp mắt một giọt…lăn tròn giữa nắng – long lanh mắt cười – che mưa…

2. Tôi lê bước chân men theo bóng trăng trong đêm tìm về Tĩnh Lặng – quán trời giữa lòng Đông – Thu muộn.

Góc cũ. Quán nép mình hẻm nhỏ. Mặt nước ao bèo thu bóng trăng, thu cả bóng trời. Đêm ấy, mờ ảo. Suối đá – nở hoa – lệ mĩ….

Người ngồi – tượng đá… dập dìu nhạc ru… Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu – Ta tìm một tiếng yêu thấy toàn là sầu đau – Ước vọng ngày thơ ấu chưa xin được chút nào – Suốt đời còn ước ao khát vọng còn cấu cào – Ôi thôi đời ta phung phí trong cơn buồn phiền – Ta xin tháng ngày rồi bình yên – Ô hay tại sao ta sống chốn này – Quay cuồng mãi hoài có gì vui…

Đặt bút viết. Gọi là ngẫu duyên: Tĩnh lặng đêm nay riêng ai làm khách lạ – Tháng ngày qua âm hao bóng chiều xa – Bồng bềnh ảnh tay nắm chặt ngỡ là… – Hương ngày cũ chớp mắt thành xa lạ.

Và hát một mình Đời đá vàng (Vũ Thành An).

Tiếng nhạc hư ảo như ngày ấy. Giữa Gió và Nước. Ve trời râm rặng trúc, nắng ru vạt nước mắt long lanh…

Chớp mắt, mười năm qua vội. Mười năm thêm một. Tròn mười một năm. Khoảng thời gian đủ để người ngồi lại một mình tự hát hai lần tình khúc Chuyện tình buồn của Phạm Duy: năm năm rồi không gặp…

Thà rằng không gặp… Gặp để rồi phải lãng quên.

Thơ xưa, một khúc Vô đề (Lý Thương Ẩn) “tương kiến thời nan biệt diệc nan” đặt vấn đề cho sự gặp gỡ và biệt ly.

“Parting is all we know of heaven – and all we need of hell” (Emily Dickinson) – ly biệt là tất cả những gì chúng ta biết về thiên đường và tất cả những gì chúng ta cần ở địa ngục.

Gặp là sự khởi đầu của một cuộc lãng quên bất tận của kiếp người. Thế gian này có hằng hà sa số sự gặp gỡ tiếp nối nhau. Gặp là thủy. Ly là chung. Vô thủy ắt vô chung. Đời người thiên biến vạn hóa, có sự gặp gỡ nào giống sự gặp gỡ nào? Người và người gặp nhau, như mây trời, như nắng, như mưa, lang thang và rồi cứ như những chiếc lá trong cơn gió loạn chiều nay rơi chấu lưng vào nhau, lặng lẽ lướt mau trong dòng chảy vô thường.

Đời vô thường, ta say tỉnh, tỉnh say, gặp lại mình trong cơn điên dài mộng ảo: người điên không biết nhớ. Và người say không biết buồn. Những cuộc tình dương gian… (Mùa đông của anh, Trần Thiện Thanh)

Đời không điên đâu phải là đời. Đời không say, uổng phí một đời.

Trong mắt người say, đời mờ nhạt. Trong lòng người điên, kí ức chỉ là khoảng trống nhạt nhòa. Tàn cơn say, cái còn lại là hiện tại.

Bernard Werber có lời rằng “Thời điểm quan trọng nhất là hiện tại, bởi nếu không quan tâm tới hiện tại, người ta cũng sẽ bỏ lỡ tương lai”. Mà thực chất tương lai là gì? Hiện tại là gì? Đâu là thực tại? Cái gọi là hiện tại, là tương lai đó có cần thiết không đối với một người điên và một người say?

Đời không điên, tự mình điên. Đời làm gì có say, chỉ tự mình say.

Tự cho là… Tự nghĩ là… Tương lai tự lừa mình bằng ý nghĩ rằng tương lai khởi từ hiện tại. Hiện tại cũng tự huyễn hoặc mình trong cái gặp gỡ của người, trong cái gặp gỡ của đời, tan trong sắc nắng, tan trong bóng mưa, tan trong tiếng thở dài.

Nắng – mưa, như cánh vạc bay. Người ngân nga hát: Nắng có hồng bằng đôi môi em. Mưa có buồn bằng đôi mắt em. Tóc em từng sợi nhỏ. Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh…

Thu mình vào một góc giữa Tĩnh lặng sửa bài viết xưa còn dang dở:

Đền Mii – Bội âm chuông – Bảy kỳ quan lịm sương” (Basho)

……………………………………………………………………………………..”lịm sắc sương”, cuộc đời tan theo bước nhảy chú ếch Ao xưa — “ốc đảo hạnh phúc” – không nằm ngoài hàm nghĩa của sự chơi. Nói như F. Fink “về bản thể của sự chơi”, cuộc đời là một cuộc chơi. Mười năm là một cuộc chơi nhỏ. Trăm năm là một cuộc chơi lớn. Hỏi thế gian, hỏi lòng mình liệu có cuộc chơi nào giống cuộc chơi nào trên cõi đời này? Và có ai ngồi đếm được mình đã bao lần chớp mắt mà nhận ra mình đang sống như chơi như chơi….”tạo sinh và tan rã, dựng xây và phá hủy” (Nietzsche).

Đang đọc.

Nhạc chuyển.

Giọng Cẩm Vân lạc lõng như có như không.

Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống. Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông. Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời.Cùng mây xám về ngang lưng trời… Thời gian như ngừng trong tê tái. Cây trút lá cuốn theo chiều mây. Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều…. (Đêm đông, Nguyễn Văn Thương).

Vẫn là mưa, vẫn lá rơi, và cơn nhung nhớ… Thế mà người nghe cho là nhạc chuyển, tự thuyết phục mình nhạc đã chuyển. Chuyển, thực chất, chỉ là sự tiếp nối. Bài tản văn trên tay còn dang dở, và người viết đang đọc dở.

Cầm văn, nghe nhạc. Lâu lâu viết mới vài dòng. Sự liền mạch tưởng chừng là gián đoạn. Sự dang dở của cái này làm nên cảm hứng cho cái khác. Phá hủy làm cảm hứng khởi sinh cho một cuộc dựng xây mới. Như chim phượng hoàng hồi sinh từ lửa đỏ tro tàn.

Nhạc có chuyển đâu. Vẫn là Ai có về bên bến sông Tương, nhắn người duyên dáng tôi thương, bao ngày ôm mối tơ vương. Tháng với ngày mờ, nhuốm đau thương, tâm hồn mơ bóng em luôn, mong vài lời em ngập hương.

Giữa Qui Nhơn, nắng đổ lửa mùa thi, thuyết phục cảm giác nhớ về Sài Gòn Lòng đêm thăm thẳm, trời – trăng – nước / Trăng sao đêm trước trước sương mây để viết Vô đề.

Đêm trước, chạy xe lòng vòng tìm vào Lỗi Cũ cà phê, thoang thoảng mùi nước bùn tù đọng, người cười hóm: Hà Nội xưa. Nhớ.

Sớm đầu Hạ, Qui Nhơn, phòng trọ kín cửa, không đèn. Nhủ thầm: Sài Gòn, đêm đông.

Thế mới đau.

3. Chợt nhớ đêm qua một đêm gầy thao thức. Trăng thôi không buồn mở mắt. Mưa thôi không buồn rơi hạt. Sầu thương đứt một tiếng lòng nỉ non. Người xưa theo nhớ vào trong mộng. Trăng xưa rủ bóng rơi thầm giọt sương….

Nguyễn Hữu Tình

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 0 / 5. Vote count: 0

No votes so far! Be the first to rate this post.

As you found this post useful...

Follow us on social media!

We are sorry that this post was not useful for you!

Let us improve this post!

Tell us how we can improve this post?

2 thoughts on “Vô đề

  1. “Thà rằng không gặp…gặp rồi phải lãng quên”.Không có nỗi buồn nào cho bằng nỗi buồn của sự chia ly…nhưng nếu như không gặp không chia ly sao ta biết trân trọng những gì còn bên ta, sao có cái gọi là ký ức và kỉ niệm phải không Thầy?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Optionally add an image (JPEG only)