
Văn học và huyền thoại không phải là một nhưng cả hai có mối quan hệ về nguồn gốc thống nhất và tương hỗ. Chính bởi những điểm tương đồng giữa chúng đã đẩy đến sự chú ý của các nhà văn khi kết hợp huyền thoại và văn học. Nói một cách khác, các nhà văn đã làm một cuộc cách tân đầy táo bạo khi vận dụng huyền thoại cổ điển vào trong sáng tác văn học. Khởi nguyên là những nhà cách mạng tiên phong ví như nhà văn bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực người Pháp, H. De Balzac (1799 – 1850), nhà văn lưu vong gốc người Do Thái, Franz Kafka (1883 – 1924), tiểu thuyết gia người Ireland, James Joyce (1882 – 1941) và nhà văn người Đức, Thomas Mann (1875 – 1955), bốn cây đại thụ của dòng văn học hiện đại sáng tác theo thi pháp huyền thoại. Trong sáng tác của Balzac mà tiêu biểu nhất là bộ Tấn trò đời nổi tiếng của ông, yếu tố kì ảo, lạ hóa, hoang đường được nhà văn sử dụng tạo nên những huyền thoại hiện đại mang tính chất xã hội với uy lực của đồng tiền. Tuy nhiên, yếu tố huyền thoại trong sáng tác của Balzac vẫn còn ít nhiều có bóng dáng của phép màu, có sự xuất hiện của ma thuật gần gũi với huyền thoại truyền thống ví như truyện Miếng da lừa là một minh chứng. Điều này sẽ không được thấy ở tác phẩm của ba nhà văn đời sau. Điểm giống nhau căn bản của các tác phẩm của Kafka, Joyce và Mann là huyền thoại được xây dựng dựa trên cái phi lí, cái siêu thực mang màu sắc của xã hội hiện đại và vắng bóng thần linh, vắng bóng phép màu. Kafka xây dựng yếu tố kì ảo phần lớn dựa vào những biểu tượng của văn học truyền thống và yếu tố nhại thần thoại (parody). Tiểu thuyết của Mann thường có cốt truyện được rút tách ra từ Kinh Thánh và có ý nghĩa lịch sử hóa thần thoại… Huyền thoại trong tác phẩm của Joyce thì lại là một dạng khác. James Joyce dựa vào huyền thoại cổ viết lại một huyền thoại hiện đại từ những hiện thực đời sống xã hội đời thường. Sự vận dụng ấy có thể được nhìn nhận ở ngay ở tác phẩm đầu tay của ông, tiểu thuyết Chân dung người nghệ sĩ thời trẻ (A portrait of the Artist as a Young man, ban đầu có nhan đề là Stephen Hero) — một tiểu thuyết được đánh giá là có tính tự thuật. Và đỉnh cao của thi pháp huyền thoại theo phong cách của Joyce được thể hiện trọn vẹn ở tiểu thuyết Ulysses – một kiệt tác của nhân loại. Chân dung người nghệ sĩ thời trẻ và Ulysses là hai tiểu thuyết được cấu trúc trên cơ sở phức hợp nhiều chủ đề, tình tiết và cốt truyện được xây dựng và phát triển trên tinh thần huyền thoại cổ điển. Nói là phát triển trên tinh thần huyền thoại cổ điển tức nó đã là sự thể hiện khác đi của huyền thoại cổ điển. Nói khác đi, nó không còn là huyền thoại cổ điển mà là “huyền thoại hiện đại”. Huyền thoại cổ điển chỉ là cái nền, là cái tinh thần mà tiểu thuyết này mượn với chủ đích để nói đến một vấn đề khác, một hoàn cảnh khác gắn với cuộc sống của xã hội hiện đại. Điều đó được các nhà nghiên cứu gọi là sự tái huyền thoại hóa trong tiểu thuyết hiện đại. Vậy “tái huyền thoại hóa” là gì?
Khởi từ Kafka, nghệ thuật tiểu thuyết bắt đầu bước vào một chiều kích mới gọi là “huyền thoại hiện đại” (modern−myth). “Huyền thoại hiện đại” ấy với tư cách là một kiểu thi pháp − thi pháp huyền thoại − được Kafka vận dụng vào trong sáng tác của mình. Ví như tác phẩm “Hóa thân” (Metamorphosis,1915) của ông. “Hóa thân” là tên của một tác phẩm của Ovid − thi hào La Mã thời kì đầu Công nguyên − kể lại những huyền thoại cổ. Kafka lấy lại tiêu đề này của Ovid (Metamorphoses,1 A.C.E ); tuy nhiên, ông không hề kể lại một huyền thoại cổ nào như Ovid mà ông đã sáng tạo nên cái gọi là huyền thoại hiện đại theo kiểu của riêng Kafka. Nếu như trong thần thoại cổ, các nhân vật (đặc biệt là các mỹ nữ) thường bị các thần linh đa tình như Zeuz, Apolo biến họ thành một bông hoa, cái cây hay thậm chí một con bò, con thiên nga và trong một điều kiện nào đó sẽ có thể trở lại thành người. Sự hóa thân của các nhân vật trong thần thoại là do sự biến hóa của các thần linh, do thần linh chi phối. Thế nhưng nhân vật Gregor SamSa của Kafka không hề bị chi phối bởi một thế lực thần quyền nào mà trong một hoàn cảnh hết sức hiện thực − sau một giấc ngủ − anh ta hóa thành một con bọ. Việc Gregor SamSa người biến thành bọ này cũng là một dạng “hóa thân” và “hóa thân” này thực chất là sự vong thân, sự tha hóa. Gregor SamSa người biến thành bọ và rồi chết. Con bọ Gregor SamSa là sự tha hóa của một con người và sự tha hóa này lại đem đến cho những người thân của anh ta một cơ hội để thăng tiến trong cuộc sống. Điều đó thuận theo quy luật Sự suy vong của người này làm nền cho sự thăng tiến của người khác. Và sự vong thân, sự tha hóa ở đây mang tính chất của xã hội hiện đại. Cái đó gọi là “huyền thoại hiện đại”(modern−myth). “Huyền thoại hiện đại” cũng mang trên mình nó hai chữ “huyền thoại” nhưng nó không hoàn toàn là huyền thoại, nói một cách khác, “huyền thoại hiện đại” chính là “giải huyền thoại” (demystification), là sự tái huyền thoại hóa huyền thoại cổ điển vào trong sáng tác, gọi tắt là “sự tái huyền thoại hóa” vậy. Giải huyền thoại là một thuật ngữ của huyền thoại học mà về bản chất xét cho đến cùng nó thể hiện sự phản ứng của các nhà nghệ sĩ nói chung và nhà văn nói riếng đối với sự vong thân, sự tha hóa (alienation) của con người xét trên mọi phương diện, cả tinh thần và thể xác. Con người càng tiến về thời đại văn minh của khoa học, thì sự văn minh ấy dần đưa con người hoặc ở thời điểm này hoặc ở thời điểm khác vào sự vong thân, tha hóa. Chúng ta gặp một Gregor Samsa hóa bọ trong Hóa thân (1915)của Franz Kafka. Chúng ta gặp những con người “đồ vật hóa” trở thành những chiếc ghế lặng câm sống vật vờ trong sự băng hoại của đời trong vở kịch Những chiếc ghế (1952) hay con người một ngày bỗng bị “động vật hóa” hóa thành những con tê giác vô cảm lao đi ầm ầm trên đường phố trong vở kịch Những con tê giác (1959) của Eugène Ionesco (1909 – 1994). Con người trong Cái trống thiếc (1959) của Gunter Grass (1927 —) bước ra khỏi cuộc chiến tranh thế chiến đã không thể tự khóc. Những giọt nước mắt tự nhiên từ trong lòng người đã không thể tự chảy theo một cách bình thường. Người ta phải mượn hơi cay bốc lên từ món hành hầm để kích thích tuyến lệ, để tìm lại cho mình giọt nước mắt mà sung sướng mà hả hê.v.v…
(Còn nữa– Xem tiếp Trang 3)