
Sự tái huyền thoại hóa hay giải huyền thoại cũng biểu hiện ở hình thức sáng tác. Ngày xưa, huyền thoại được kể trong sử thi Homer, trong tác phẩm của Ovid dưới tiết tấu, nhịp điệu của thơ nhưng huyền thoại hiện đại trong tác phẩm của Kafka, trong tác phẩm của James Joyce được kể bằng văn xuôi, bằng ngôn ngữ tiểu thuyết. Huyền thoại xưa kể bằng giọng tụng ca: “Hát lên đi, ôi nữ thần Muse / Thác lời tôi kể lại câu chuyện xưa xa“. Đó là giọng của Homer mở đầu các sử thi của mình. Đó là giọng ngợi ca thần thánh trước đền thờ. Trong khi đó, giọng điệu trong các “huyền thoại hiện đại” thì khác hẳn, nó nghiêng về giễu nhại (parody), giải thiêng (desacred): “nhấn mạnh đến cường điệu những chi tiết tâm lí và đời thường thấp hèn, những chi tiết tạo ra một bức tranh đáng ghét của thứ văn xuôi đời thường, của sự sinh tồn hỗn loạn vô nghĩa lí”(11). Vậy đặc tính của “huyền thoại hiện đại” chính là huyền thoại giải thiêng. Và sự tái huyền thoại hóa trong văn học nói chung và trong tiểu thuyết của Joyce nói riêng là “một công cuộc giải trừ huyền thoại”, bóc tách lớp vỏ thần thánh, lớp vỏ thiêng của huyền thoại mà việc làm ấy trước hết cần phải lấy lại những hình tượng trong huyền thoại, những “hình tượng có ý nghĩa nhất trong thần thoại Hy Lạp, mỗi hình tượng thể hiện một chức năng của tâm linh và những mối liên quan giữa các hình tượng đó biểu đạt cuộc sống tâm trí của con người, bị xẻ chia bởi các khuynh hướng đối lập nhau, hướng tới trạng thái thăng hoa hoặc tới tình trạng đồi bại”(12). Những hình tượng mang tính phổ quát ấy là gì khác hơn nếu không là điển mẫu (archetype) – những hình mẫu điển hình trong văn học bởi theo nhà nghiên cứu Mircea Eliade thì “chức năng chủ của huyền thoại là cố định những mô hình mẫu cho hoạt động có ý nghĩa của con người”(13).
Khái niệm archetype, khảo sát trên phương diện từ nguyên, theo nhà nghiên cứu xã hội học thuộc trường Đại học York Wentworth, Barry Sandywell trong công trình Presocratic Philosophy. Vol 3 (1996) thì thuật ngữ archetype trong tiếng Anh (archétype trong tiếng Pháp) có nguồn gốc từ archetypum trong tiếng Latinh và danh từ archetupos (ἀρχέτυπος) trong tiếng Hy Lạp.
Kiểm tra về nhận định của Barry Sandywell, truy nguyên về nguồn gốc chúng ta thấy sự tương đồng giữa archetype và archetupos là hoàn toàn thống nhất trên hai bình diện: phát âm và cấu trúc. Thứ nhất, chúng ta thấy xét về phát âm, con chữ “ch” trong archetype (/’a:kitaip/) trong phiên âm của tiếng Hy Lạp là / χ / được phát âm giống với âm /k/ trong phiên âm của tiếng Anh. Thứ hai, về cấu trúc, archetype trong tiếng Anh được kết hợp bởi hai yếu tố: tiếp đầu ngữ arch- (cũng arche-) có nghĩa là chính, quan trọng nhất với danh từ type có nghĩa là típ, loại, kiểu loại, loại hình. Và Archetupos trong tiếng Hy Lạp cũng được kết hợp bởi hai yếu tố gốc từ arche (ἀρχή) và yếu tố tupos (τύπος). Gốc từ Arche được hiểu theo hai nghĩa chính là:– giác quan chính; – nguồn gốc hay nguyên nhân đầu tiên; Ý nghĩa mở rộng arche còn được hiểu là: quyền lực, chủ quyền, thống trị. Trong các ngôn ngữ thời kì cổ xưa vào khoảng thế kỉ VIII đến thế kỉ VI trước công nguyên, được ghi lại trong các thư tịch cổ), arche (còn được gọi là archai) chỉ định các nguồn, nguồn gốc hoặc gốc rễ của những điều đang tồn tại. Trong triết học Hy Lạp cổ đại, ý nghĩa của arche được hiểu là các phần tử hay nguyên lý của một vấn đề, của bản thể sự vật có liên quan đến thần linh. Các nhà triết học Hy Lạp gán cho arche thuộc tính của Thiên Chúa, rằng nó là “chân trời thiêng liêng của chất bao gồm cả giá trị ảnh hưởng của chúng có sự tồn tại vĩnh hằng bất biến”(14). Còn tupos có nghĩa là mô hình, loại hình, loại. Như vậy, xét trên phương diện từ nguyên thì archetype được hiểu là những mẫu, những loại hay kiểu loại có tính chất quan trọng nhất, điển hình nhất những mẫu có tính chất gốc rễ cho những mẫu thức, kiểu loại khác.
Theo từ điển Britannica, người đưa ra khái niệm “điển mẫu” sớm nhất là Carl Jung (1875—1961), một bác sĩ chuyên khoa tâm thần học, một nhà tâm lý học người Thụy sĩ. Khái niệm archetype được Carl Jung phát triển thành Psychological archetypes (điển mẫu tâm lý). Trong khuôn khổ tâm lý học, các điển mẫu được cho là có tính chất bẩm sinh, là những nguyên mẫu (prototype) chung cho các ý tưởng của con người làm tiền đề cho những nhận định để khảo sát và điều trị các trạng thái rối loạn tâm lý. Ông cho rằng điển mẫu không phải là sáng tạo của con người mà là do bản năng mà ra. Trong công trình nghiên cứu Thăm dò tiềm thức (2007) do dịch giả Vũ Đình Lưu dịch từ bản tiếng Pháp Essai d’exploration de l’inconscient (dịch giả VĐL dịch archetype là siêu tượng), C. Jung cho rằng: “siêu tượng là một khuynh hướng bản năng, cũng như khích động bản năng làm cho chim biết làm tổ, kiến biết tổ chức thành đoàn thể”(15) và những điển mẫu có nguồn gốc sâu xa phát sinh từ những giấc mơ: ” đó là những ý tưởng mà giấc mơ gợi lên cho đứa bé”(16). Những điển mẫu trong nghiên cứu của C. Jung được cho là thuộc “mô thức tập thể” (schème collectif) của “tư tưởng loài người có tính cách di truyền, mới sinh ra đã có rồi”(17). Điển mẫu là những mẫu của các biểu tượng, các cấu trúc tinh thần bẩm sinh, trong tưởng tượng của con người, chứa đựng trong vô thức tập thể của cộng đồng nhân loại, vô thức tập thể này là một yếu tố đặc trưng cho tất cả các vô thức cá nhân”(18) và các điển mẫu được biểu hiện “bằng những giấc mơ, những hình ảnh huyễn hoặc của vô thức cá nhân (tiếng Pháp: phantasme, hay fantasme), và bằng những biểu tượng lớn, những tác phẩm văn chương, nghệ thuật (hội họa, điêu khắc, kiến trúc…), chẳng hạn các thần thánh. Trời, Đấng tối cao, cô tiên, địa ngục, đèn thần v.v…, hoặc những tình huống mẫu, những tính cách mẫu, những hoài niệm mẫu về thân phận con người: Êđip, Tấm Cám, Thằng ngốc, Phồn thực, Thiên đường đã mất v.v… ” (19). Một số nhà phê bình văn học dựa theo lý thuyết về điển mẫu của C. Jung để soi chiếu, khảo cứu và phân tích luận giải các vấn đề thuộc về ẩn ức, thuộc về những biến chứng tâm lý, những ám ảnh của giấc mơ trong tác phẩm văn chương và họ đã mặc nhiên xem “tác phẩm văn chương là giấc mơ hiện nay được xây dựng trên mẫu cổ xa xưa với những âm vang hiện đại” (20).
(Còn nữa– Xem tiếp Trang 4)