October 3, 2023
0
(0)

Phần I

ĐIỂN MẪU — SỰ TÁI HUYỀN THOẠI HÓA TRONG CHÂN DUNG NGƯỜI NGHỆ SĨ THỜI TRẺULYSSES  CỦA JAMES JOYCE

joyce

                         Nguyễn Hữu Tình        

Trong Nghệ thuật tiểu thuyết, Milan Kundera cho rằng “Cuốn tiểu thuyết nào không khám phá ra thêm được một mẫu sự sống trước nay chưa từng biết là một cuốn tiểu thuyết vô đạo đức. Hiểu biết là đạo đức duy nhất của tiểu thuyết”(1). Mẫu sự sống mới, hay mẫu hình mới đó chỉ có thể có được thông qua cuộc tái diễn tả của người nghệ sĩ mà tái diễn tả là gì nếu không phải là cái nhìn mới − cái nhìn có sự cách tân. Và cuộc tái diễn tả đó chỉ có thể có một tầm vóc lớn lao nếu như biết nhìn những hiện tượng, những biểu tượng của đời sống, tức là cái mà ta gọi là “điển mẫu” (archetype) hay nói rộng ra là “huyền thoại” (myth).

“Huyền thoại” là một thuật ngữ có từ rất lâu và trước đây các nhà nghiên cứu Việt Nam vẫn thường quen gọi là “thần thoại”. Nhưng trên thực tế, huyền thoại và thần thoại không phải là một. Trong tiếng Anh, thuật ngữ “huyền thoại” là myth, còn thần thoại là mythologie. Huyền thoại và thần thoại vừa thống nhất nhưng lại vừa có sự phân biệt với nhau. Khái niệm “thần thoại” xưa nay được hiểu là “truyện kể dân gian về các vị thần và các nhân vật anh hùng thần hóa, phản ánh quan niệm ngây thơ của người thời cổ về các hiện tượng tự nhiên và khát vọng của con người về một cuộc sống tốt đẹp”(2). Còn huyền thoại là thuật ngữ đã ra đời từ rất lâu theo dòng thời gian cùng với sự phát triển của xã hội và văn học nghệ thuật, ý nghĩa của khái niệm huyền thoại đã có nhiều biến đổi như lời nhận định của GS. Phùng Văn Tửu: “Khái niệm huyền thoại trong hệ thống thần thoại Hy Lạp không giống với khái niệm huyền thoại trong chữ dùng của nhà sử học cổ đại Hérodote. Huyền thoại của đạo Thiên chúa khác với huyền thoại theo chủ nghĩa cấu trúc. P. Valéry, M. Proust hiểu huyền thoại cũng không giống với R. Garaudy”(3). Những tác phẩm văn học được nghiên cứu dưới góc nhìn Huyền thoại học không phải lúc nào cũng là những câu chuyện kể về các vị thần, hay các anh hùng được thần thánh hóa. Những tác phẩm mang yếu tố kì, yếu tố ảo đều là đối tượng nghiên cứu của Huyền thoại học. Do đó, phạm vi bao quát của khái niệm “thần thoại” dần dần không còn phù hợp nên nó cần một được thay thế bởi một thuật ngữ khác có sức chứa rộng lớn và có tính bao quát hơn đó là “huyền thoại”.

Về cơ bản, huyền thoại vẫn là thần thoại, nhưng rộng hơn thần thoại, huyền thoại còn đề cập đến mảng sáng tác lấy cái kì, cái lạ, cái ảo làm đối tượng và hơn thế nữa huyền thoại là “một hiện tượng trung tâm trong lịch sử văn hóa, đồng thời là một phương tiện cổ xưa để nhận thức thực tại, là mô hình của mọi hệ tư tưởng, là cái nôi nguyên hợp của các loại hình văn hóa khác nhau – văn học, nghệ thuật, tôn giáo và ở mức độ nào đó, cả triết học, thậm chí cả khoa học”(4). Bổ sung cho quan niệm này, Roland Barthes đã mở rộng phạm vi ý nghĩa của huyền thoại trong công trình nghiên cứu Những huyền thoại (Phùng Văn Tửu dịch, 2008). Huyền thoại về phương diện ngôn ngữ học, kí hiệu học, Roland Barthes cho rằng “với tư cách nghiên cứu một ngôn từ, huyền thoại học thực ra chỉ là một nhánh của ngành khoa học kí hiệu rộng lớn mà Saussure đã đưa ra cách đây khoảng bốn mươi năm với tên gọi ký hiệu học“(5). Huyền thoại là “một hệ thống thông báo, đó là một thông điệp”(6). “Huyền thoại là ngôn từ, nên tất cả đều có thể là huyền thoại, nó liên quan đến diễn ngôn. Huyền thoại không xác định bởi đối tượng thông điệp của nó, mà bởi cách nó phát ra thông điệp ấy: có những giới hạn về hình thức đối với huyền thoại, chứ không có những giới hạn về thực thể”(7). Nói như vậy, Roland Barthes đã khẳng định một lần nữa huyền thoại là gốc rễ của mọi hình thức sáng tác sử dụng ngôn từ làm chất liệu trong đó bao gồm cả khoa học và nghệ thuật. Huyền thoại ở góc độ này nó hướng đến nghiên cứu “những tư–tưởng–dạng–hình–thức”(8). Để nghiên cứu những tư–tưởng–dạng–hình–thức này, huyền thoại học phải đòi hỏi tới một loại tư duy đặc biệt: tư duy huyền thoại và nó thúc đẩy sự ra đời của phê bình huyền thoại dù rằng nghiên cứu phê bình huyền thoại đã manh nha từ trước đó rất lâu rồi. Phê bình huyền thoại có nhiều nhánh khác nhau nhưng tựu trung được phân làm hai hướng cơ bản: thứ nhất là hướng phê bình nghi lễ khởi từ các công trình nghiên cứu của nhà dân tộc học người Anh, J. Frazer (1854 – 1941) và phê bình điển mẫu (các tài liệu ở Việt Nam gọi là phê bình cổ mẫu) bắt nguồn từ những công trình nghiên cứu của bác sĩ, nhà tâm lí học C. Jung (1875 – 1961). Dù là nghiên cứu phê bình theo hướng nào đi chăng nữa thì trên hết,các công trình nghiên cứu vẫn lấy “sự hội tụ của nhiều phương pháp và hình thức tra cứu về những mối quan hệ phức tạp giữa văn học với huyền thoại”(9) làm nền tảng. Khởi từ mối quan hệ giữa văn học và huyền thoại, nhà nghiên cứu người Canada, Northrop Frye (1912 – 1991) và hai nhà nghiên cứu R. Barthes (1915 – 1980) và R. Garaudy (1913—) là những người tiên phong trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, lý giải và “nối kết chức năng của huyền thoại với sáng tác văn học thời nay”: “Điều làm cho huyền thoại và văn học nghệ thuật có mối quan hệ đặc biệt khăng khít không phải chỉ có trong cội nguồn mà cả trong các giai đoạn phát triển sau này là ở chỗ huyền thoại có một thuộc tính quan trọng là sự tái hiện những quan niệm chung nhất trong một hình thức cụ thể – cảm tính. Thuộc tính đó của huyền thoại cũng chính là bản thân thuộc tính của văn học nghệ thuật tức là cái mà ta vẫn gọi là tính hình tượng đặc trưng cho nghệ thuật và cái được nghệ thuật kế thừa từ chính huyền thoại”(10).

(Còn nữa– Xem tiếp Trang 2)

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 0 / 5. Vote count: 0

No votes so far! Be the first to rate this post.

As you found this post useful...

Follow us on social media!

We are sorry that this post was not useful for you!

Let us improve this post!

Tell us how we can improve this post?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Optionally add an image (JPEG only)