Bước vào lãnh địa của văn chương và phê bình văn chương, trên cơ sở tổng hợp các cách hiểu về thuật ngữ archetype mà C. Jung và các nhà tâm lý học đã phân tích, nhà nghiên cứu người Canada, Northrop Frye (1912 – 1991), trong hai công trình nổi tiếng của mình là The Archetypes of Literature (1951) (những điển mẫu văn học) và Anatomy of Criticism: Four Essays (1957) (Giải phẫu phê bình: Bốn tiểu luận), đã trình bày sự nghiên cứu công phu của mình về các quan niệm về điển mẫu và mối quan hệ của điển mẫu với văn học. Frye cho rằng điển mẫu là những mẫu thức có tính phổ quát nhất, có tính ổn định nhất: “Điển mẫu không chỉ là một phạm trù thống nhất của phê bình văn học mà nó còn là một phần của hình thức phê bình tổng thể và nó đưa chúng ta đến ngay vấn đề còn đang băn khoăn về loại hình phê bình tổng thể nào mà chúng ta có thể thấy trong văn học”(21). Điển mẫu là một thuật ngữ dùng để chỉ các mẫu thức, các motif – những hình tượng, hình mẫu từ trong huyền thoại xưa (trong thần thoại Hy Lạp, trong cỗ bài Tarot,…) được vận dụng vào sáng tác văn học nghệ thuật.
Ông là người đã vận dụng điển mẫu vào nghiên cứu phê bình văn học để diễn giải văn chương một cách có hệ thống. Trong công trình Anatomy of Criticism: Four Essays (1957), Frye đã chứng mình rằng có một sự tương ứng giữa các thể loại văn học và các chu kì vĩnh hằng của không gian, thời gian vũ trụ như Xuân – Hạ – Thu – Đông, Đêm – Ngày, Mộng – Tỉnh, v.v… Mỗi thể loại văn học dưới góc độ này hay góc độ khác, ở khía cạnh này hay khía cạnh khác sẽ tương ứng mỗi chu kì hay những yếu tố đặc trưng của chu kì nào đó trong vòng quay vĩnh cửu của vũ trụ. Thể loại hài kịch (comedy) tương ứng với mùa Xuân, tương ứng với buổi sáng, tương ứng với sự ra đời của người anh hùng. Thể loại chuyện tình (Romance) tương ứng với mùa Hạ, tương ứng với buổi trưa, với sự trưởng thành của người anh hùng. Thể loại bi kịch (tragedy) tương ứng với mùa Thu, tương ứng buổi chiều và với cái chết của người anh hùng. Thể loại giễu nhại (Irony và Satire) tương ứng với mùa Đông, tương ứng đêm tối và tương ứng với sự thất bại của người anh hùng.
Quan điểm của Frye về phê bình điển mẫu trong suốt thời gian qua tuy bắt gặp những ý kiến phản hồi trái ngược nhau, nhưng trước sau đây vẫn là những gợi ý vô cùng quý báu cho những công trình phê bình huyền thoại, phê bình điển mẫu về sau. Vận dụng quan điểm phê bình điển mẫu của Frye vào việc nghiên cứu vấn đề điển mẫu trong hai tiểu thuyết A Portrait of the Artist as a Young Man và Ulysses sẽ giúp chúng ta từng bước khám phá kĩ thuật tái huyền thoại hóa huyền thoại cổ điển vào sáng tác của James Joyce.
Hai tiểu thuyết Chân dung người nghệ sĩ thời trẻ và Ulysses của James Joyce đều lấy cảm hứng từ huyền thoại Hy Lạp. Chân dung người nghệ sĩ thời trẻ dựa trên huyền thoại Daedalus và Incarus, và Ulysses dựa trên huyền thoại về người anh hùng Ulysse của xứ sở Ithaca trong sử thi Odyssey của Homer. Nội dung và cấu trúc của hai tiểu thuyết được tóm lược như sau:
Toàn văn tiểu thuyết Chân dung người nghệ sĩ thời trẻ gồm năm chương được đánh theo số thứ tự. Tác phẩm được tạo dựng dựa trên bối cảnh xã hội, nền chính trị và thực trạng tôn giáo ở Dublin, thủ đô của Ireland cuối thế kỉ XIX. Cho ra đời tiểu thuyết của mình, James Joyce không nhằm kể với độc giả về huyền thoại Daedalus và Incarus trong thần thoại Hy Lạp mà thông qua đó tác giả đã thiết lập một cốt truyện hiện đại với nhân vật chính là Stephen Dedalus −”người nghệ sĩ” cùng họ với nhân vật anh hùng Daedalus trong huyền thoại xưa. Nhân vật Stephen luôn trăn trở về cái họ Dedalus của mình và anh ta luôn nung nấu ý định đi tìm ý nghĩa của nó, mối liên hệ của nó với cái họ Daedalus của người thợ già tài hoa trong huyền thoại xưa. Trong thần thoại Hy Lạp cổ đại, Daedalus là một kiến trúc sư, một nhà phát minh, và là một người thợ lành nghề. Theo lệnh của vua Minos, Daedalus đã xây dựng một mê cung vô cùng phức tạp ở Crete để giam giữ con quái vật Minotaur đầu bò mình người . Nhưng sau khi hoàn thành công trình, chỉ vì làm phật lòng vua Minos, Daedalus và con trai là Incarus đều bị bắt giam vào trong mê cung này. Khi thiết kế mê cung ông không có ý định chừa cho mình một đường thoát thân phòng khi gặp chuyện bất trắc, nên khi bị giam vào chính bởi mê cung do mình tạo ra, Daedalus và con trai cũng không thể tìm được lối thoát ra. Để thoát ra ngoài chỉ có một cách duy nhất là bay lên cao và vượt ra ngoài. Do đó, sau một thời gian nghiền ngẫm, Daedalus đã chế ra được hai đôi cánh bằng sáp ong kết lông vũ để đưa ông và con trai thoát ra khỏi mê cung. Khi bay lên cao, quá hứng khởi nên Incarus đã quên lời cảnh báo của cha, cậu ta cứ bay lên cao mãi cao đến gần mặt trời luôn, và đôi cánh bị sức nóng mặt trời nung chảy ra, anh rơi xuống và bị nhấn chìm vào lòng biển. Còn Daedalus, với tính cẩn thận của một người thợ dạn dày kinh nghiệm đã thoát khỏi mê cung một cách an toàn với đôi cánh của mình.
Ulysses một tác phẩm phức hợp nhiều thể loại: tự sự, kịch, báo chí, âm nhạc, trữ tình, thơ ca, v.v… Lấy bối cảnh thành phố Dublin trong ngày 16.VI.1904. Tiểu thuyết được xây dựng dựa trên huyền thoại về người anh hùng Ulysses. Toàn bộ tác phẩm gồm ba phần, mười tám chương. Nội dung tiểu thuyết xoay quanh ba nhân vật chính là người đàn ông Do Thái làm nghề quảng cáo tên Leopold Bloom, Molli Bloom (vợ của Bloom)và Stephen Dedalus mà chúng ta đã gặp trong tiểu thuyết Chân dung người nghệ sĩ thời trẻ. Mười tám chương sách tương ứng với mười tám trường đoạn trong sử thi Odyssey của Homer. Cách kiến trúc tác phẩm Ulysses đối xứng với Odyssey của Homer.
(Còn nữa– Xem tiếp Trang 5)