Anh cần không gian lý tưởng để phô diễn tài năng của mình. Tương lai của anh cũng sẽ chỉ là một khoảng đen mù mịt nếu anh chấp nhận một cuộc sống cúi đầu khom lưng tuân thủ qui tắc ba điều như bao nhiêu người khác, mà không biết đứng lên đấu tranh chống lại thứ hủ tục đã tồn tại lâu đời trên mảnh đất quê hương anh. Hành động đấu tranh của anh cũng trực tiếp công kích vào hệ thống chính quyền cai trị đương thời. Đất nước Ireland lạc hậu, u ám đã làm hư hỏng biết bao thế hệ trẻ em – những mầm non của tương lai. Anh ví việc ấy như “lợn mẹ ăn đứa con nó mới đẻ ra”(26). Những người bạn cùng lớp của anh cố gắng phát triển đất nước thông qua hoạt động chính trị và phát triển nền văn học bản địa. Nhưng đối với Stephen, những việc đó là vô ích và chẳng đem lại hiệu quả gì cả. Tất cả những điều ấy có khác gì việc chạy lòng vòng trong mê cung. Muốn bản thân cũng như quê hương và cái đất nước này thoát khỏi sự u ám lạc hậu thì cất cánh bay lên như Daedalus xưa kia trong huyền thoại.
Dublin là một mê cung, một mê cung chất chứa bao mê cung chằng chịt trong nó, nhưng dù sao đi nữa thì Stephen vẫn có thể bằng cách này hay cách khác thoát ra khỏi nó. Anh đã chọn cho mình cách giải thoát bằng việc đi ra nước ngoài. Nhưng có một mê cung khác luôn tồn tại trong anh mà anh không thể nào thoát ra được, đó là tâm trí anh. Tâm trí của anh cũng là một mê cung – mê cung ý niệm, rắc rối và phức tạp lấp đầy suy niệm về cái chết và những suy nghĩ quẩn quanh bế tắc.
Đoạn văn sau đây là một trong số những đoạn thể hiện sự rối loạn và bế tắc trong tâm trí của Stephen. Những ý nghĩ, những suy tư cứ nhảy lung tung trong đầu Stephen. Nó bủa vây và giăng thành một tấm mạng nhện khổng lồ dường như vô tận. Tấm mạng nhện đó bao phủ lên những con người xứ Dublin, bao phủ lên Stephen, bao phủ lấy James Joyce. Và tất cả bị khóa chặt trong tấm lưới ấy, trong mê cung ấy. Độc giả bước vào tác phẩm, tiếp xúc với nhân vật, tiếp xúc với Stephen, với James Joyce trong trạng thái người trong kẻ ngoài song sắt. Stephen đứng ở trong song sắt của cái mê cung ấy nhìn ra ngoài, nhìn chúng ta một cách bất lực cùng với sự cuồng nộ, miên man trong dòng suy tưởng:”gặp cô ấy hôm nay tại nơi những khoảng không lốm đốm trên phố Grafton. Đám đông mang chúng tôi đi. Cả hai chúng tôi dừng lại. Cô ấy hỏi tôi rằng sao tôi không bao giờ đến trường, cô ấy nói là đã nghe tất cả những mẩu chuyện về tôi. Nói như thế chỉ để kéo dài thời gian. Cô ấy hỏi tôi: tôi đang làm thơ ư? Về ai đây? Điều này càng làm cho cô ấy bối rối hơn và tôi cảm thấy kinh tởm và rất tiếc về điều đó. Ngay lập tức tắt cái valve đó và mở bộ dụng cụ làm đông lạnh tinh thần người anh hùng ra, bộ dụng cụ này được phát minh và giành được bằng sáng chế ở hầu hết các quốc gia bởi Dante Alighieri”.(27)
Tác phẩm văn học cũng như cuộc đời này, nó luôn đặt ra những vấn đề cần phải suy nghĩ cho nhân vật và cho chúng ta khi ở vào những thời điểm mang tính bước ngoặc. Xuyên suốt tác phẩm của mình, James Joyce tự do khai thác ý nghĩa tượng trưng từ cái tên Daedalus trong huyền thoại. Xưa, hai cha con Deadalus và Incarus khi bị nhốt vào mê cung, Deadalus phải suy nghĩ tìm cách thoát ra, thì nay, Stephan cũng đi loanh quanh trong mê lộ của tâm trí mình để tìm ra những lời giải đáp cho những vấn đề cuộc đời và về cái họ Dedalus của mình. Lúc đầu, Stephen không hiểu ý nghĩa của cái họ khác thường – Dedalus – của anh ta. Nó chỉ là một sự tình cờ đầy tính ngẫu nhiên hay nó là định số bắt nguồn từ xa xưa, từ muôn kiếp trước. Anh ta cố đi tìm hiểu sự thật. Nhưng càng tìm hiểu thì lại càng bị lún sâu vào mơ hồ. Chất đầy trong ý nghĩ của Stephen là những u uất, sầu muộn. Những sầu muộn gắn liền với môi trường sống bị áp đặt lên Stephen. Môi trường đó đã giam hãm anh ta trong một thế giới tù đọng thiếu thốn sự sáng tạo và đổi mới: “anh lang thang trong bóng đêm, bước xuống lên trên những con đường nhầy nhụa nhìn chăm chú nhìn vào khoảng tối của những làn đường và các ô cửa, lặng nghe mọi tiếng động xung quanh. Anh than thân trách phận. Những âm thanh phát ra từ miệng anh nghe cứ như những con thú săn mồi cú rúc giữa trời đêm” (28). Stephen cứ đi lang thang như thế, đi một cách vô định, miên man “thả bộ dọc theo con đường trải đá cuội về phía nhà thờ, trầm ngâm suy nghĩ, vừa đi vừa đá theo viên sỏi trắng”(29).
Thêm vào đó, bao bọc bên ngoài những mê cung của thế giới nhân vật là một mê cung rắc rối phức tạp hơn. Nó làm đau đầu độc giả và các nhà nghiên cứu phê bình văn học gần thế kỉ qua. Đó là mê cung ngôn từ của James Joyce. Tác phẩm của Joyce về hình thức đã là một mê cung mà độc giả một khi bước vào thì như bị vây khốn ngay từ những trang đầu tiên. Đó là thế giới của “những ngôn từ biến dạng”. James Joyce luôn dụng công sáng tạo từ mới như trò chơi tung hứng đầy thú vị. Ông cho những kí tự vô hồn đứng cạnh nhau, kết nối với nhau và thổi vào nó “một linh hồn”–cái cách mà Chúa tạo ra loài người được ghi chép lại trong Kinh Thánh. Chỉ khác một điều là Chúa thổi linh hồn cho người, còn Joyce thổi linh hồn vào ngôn từ, tạo lập cho nó một thế giới sống riêng trong tiểu thuyết của ông và người ta chỉ có thể tìm thấy nó duy nhất ở đó, một nơi mà cho tới nay chưa có một từ điển nào có thể can thiệp được. Joyce đã sáng tạo ra hàng loạt kí tự, hàng chuỗi âm thanh kiểu như: “a mahamanvantara”(30), ”ooeehah…. wayawayawayawayawayaway”, “seesoo, hrss, rsseeiss, ooos”,”….Kraahraark! Hellohellohello amawfullyglad kraarkawfullygladaseeragain hellohello amarewf kopthsth”…(31), Nationalgymnasiummuseumsanatoriumandsuspensoriumsordinary privat docentgeneralhistoryspecialprofessordoctorKriegfried Ueberallgemein”(32).
Joyce đã sử dụng nhiều kiểu tạo từ khác nhau để độc giả và các nhà nghiên cứu khó lòng mà tìm ra qui luật để giải mã, ông biến việc tạo từ làm một niềm vui, một trò chơi trốn tìm với độc giả của mình, mà trong trò chơi đó, cái cần giấu chính là những gì ông muốn gởi tặng độc giả của mình nhất. Đó là thông điệp gởi con người, đó là tình yêu, là sự tự do, ý thức đổi mới sáng tạo và những giá trị thật của cuộc sống cùng với sự nâng niu trân trọng con người. Ông đã biến việc đọc tiểu thuyết của độc giả thành một trò trơi, nhưng tham gia vào trò chơi đó, phần nhiều độc giả không cảm thấy vui, lắm lúc còn cảm thấy mình như là một con rối để nhà văn hí lộng, giễu cợt.
(Còn nữa– Xem tiếp Trang 7)