Hàng loạt những âm, những kí tự của nhiều ngôn ngữ khác nhau (người ta tính có hơn 50 ngôn ngữ được sử dụng trong Ulysses) như tiếng Latinh, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Italia, ngôn ngữ Ireland cổ…được ông nhào nặn lắp ghép lại với nhau nhằm gây hoang mang, gây rối loạn cho độc giả. Người xưa có câu “đường dài đo sức ngựa, gian nan thử lòng người”. Trong trường hợp này đúng thật là James Joyce đang muốn đo sức chịu đựng và khả năng trí tuệ của độc giả. Dễ có mấy ai có thể đọc một mạch là hết mười tám chương tiểu thuyết Ulysses. Phần nhiều độc giả chỉ đi được vài trang đã chào thua, lắc đầu ngao ngán, chỉ có những chuyên gia bỏ công sức hàng bao năm trời để lần dò từng chữ như lần theo sợi chỉ Ariane để thoát ra khỏi mê trận đó. Nhưng có một điều không thể phủ nhận đó là James Joyce là một người rất kén độc giả. Tác phẩm của ông không phải dành cho đại đa số quần chúng nhân dân, nó chỉ dành cho những ai có điểm chung với nó.
Không chỉ chế tạo từ mới, mà mê cung của Joyce còn được xây dựng dựa trên những cấu trúc câu đổ vỡ. Bên cạnh những câu dài lê thê không dấu câu mà tiêu biểu nhất là sáu mươi hai trang cuối Ulysses, sáu mươi hai trang viết chi chít là chữ nhưng tuyệt nhiên không có một dấu câu nào hết trôi theo mạch diễn tả dòng suy tư miên man của Bloom sau một ngày lang thang, là những câu bị bẻ gãy cấu trúc, những câu được tạo nên từ những từ khó hiểu kiểu như: “I zmellz de bloodz odz an Iridzman”(33), ‘the figure seated on a larger boulder at the foot of a round tower was that of a broadshouldered deepchested stronglimbed frankeyed redhaired freely freckled shaggybearded widemouthed larenosed longheaded deepvoiced barekneedbrawnyhandedhairyleggedruddyfacedsine wyarmed hero”(34). Những đoạn chú thích chỉ dẫn được James Joyce trình bày rất công phu nhưng không những nó không giúp cho người đọc hiểu dễ dàng hơn những câu văn kinh khủng của ông mà càng làm rối trí cho người đọc bởi những chú thích đó chỉ là những tên riêng trong nhiều ngôn ngữ khác nhau được xếp lẫn lộn với nhau tạo thành một chuỗi mà ngụ ý của nó thì không hiểu nói gì ví như: “…Archjoker Leopold Rudolph von Schwanzenbad–Hodenthaler, Countess Marha Virága Kisászony Putrápesthi, Hiram Y. Bomboost, Count Athanatos Karamelopulos…” (35).
Bên cạnh điển mẫu mê cung, điển mẫu Người Cha (the Father) cũng là một trong những điển quan trọng được James Joyce sử dụng trong Chân dung người nghệ sĩ thời trẻ và Ulysses.
Điển mẫu Người Cha (the Father)
Theo Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới, người Cha là “biểu tượng của sự sinh sản, của sự sở hữu và chiếm hữu, của sự thống trị, của giá trị. Hiểu theo nghĩa đó, cha bố là một nhân vật ức chế, hoặc áp chế (castrateur), nói theo ngôn ngữ phân tâm học. […] vai trò người cha được thụ cảm như một sức mạnh làm nhụt ý chí tự giải phóng của kẻ bề dưới, với những tác động tước đoạt, hạn chế, ức hiếp, vô hiệu hóa nhằm giữ kẻ ấy trong trạng thái lệ thuộc”(36). Theo nghĩa này thì người Cha được James Joyce tái hiện trong hai tiểu thuyết Chân dung người nghệ sĩ thời trẻ và Ulysses là không phù hợp, bởi người Cha trong tiểu thuyết của Joyce có vai trò rất mờ nhạt đối với con trai mình, và bị con trai mình khước từ. Những người Cha trong thần thoại Hy Lạp, phần lớn đều là những người anh hùng lẫy lừng, là tấm gương cho con mình noi theo, là niềm tự hào của con cái như Ulysses trong Odyssey của Homer, như Daedelus trong huyền thoại, nhưng người Cha trong tiểu thuyết của Joyce, cụ thể là Simon Dedalus cha của Stephen Dedalus, lại hiện lên trong tư thế là một kẻ thất bại trong cuộc sống, nát rượu, bê tha đánh mất niềm tin yêu nơi con trai của mình. Simon Dedalus ngay đầu tác phẩm Chân dung người nghệ sĩ thời trẻ đã xuất hiện với tư thế người Người cha không hoàn hảo.
Trong James Joyce and the question of history, James Fairhall cho rằng những câu chuyện mà cha John Joyce kể cho James Joyce nghe thì trong tiểu thuyết Ulysses, người cha Simon Dedalus đang kể cho Stephen Dedalus nghe. Stephen lớn lên với kí ức về người cha của một thời kì thơ ấu rất mờ, đó là người cha “có khuôn mặt đầy râu”, cha thường gọi anh là cậu bé Tuckoo… Tuy nhiên dù không yêu thương cha mình cho lắm và cha cũng không để lại một cảm giác tốt đẹp gì trong Stephen như cha của những đứa trẻ khác, nhưng anh cũng luôn phấn đấu để tránh xa những câu hỏi vô nghĩa và bất chợt của đám bầu bạn và những kẻ xung quanh khi nói về cha của mình. Vì điều đó càng gây cho anh một cảm giác khó chịu và cảm thấy xa lạ hơn với cha mình. Ở giai đoạn đầu, trong tác phẩm Chân dung người nghệ sĩ thời trẻ, Stephen luôn hướng về huyền thoại tìm nguồn gốc cái họ kì lạ của mình. Anh nghĩ đến người anh hùng Deadelus, và truy vấn về mối quan hệ của mình với người anh hùng kia. Không biết liệu anh có phải là hậu thân của Deadalus, người thợ thủ công tài hoa trong huyền thoại chứ không phải là Simon Dedalus. Những giáo luật của nhà thờ và qui tắc bảo thủ của trường học Dòng Tên cũng như những ràng buộc từ gia đình đối với khát vọng tự do nghệ thuật của Stephen làm anh mệt mỏi, chán chường. Do đó, anh thường xuyên tìm cách thoái thác những nhiệm vụ hay những hoạch định mà anh bị áp đặt, bị bắt buộc phải thực hiện. Anh phủ nhận tất cả những danh hiệu vô nghĩa như danh hiệu đứa con ngoan, học sinh gương mẫu, vị linh mục ngoan đạo… Tính quật cường, niềm kiêu hãnh của một đầu óc luôn luôn thức tỉnh, nỗi buồn chua xót vì mối tình đầu tan vỡ đã để lại trong anh tâm trạng của một kẻ lưu đầy ngạo mạn sắp sửa bước vào cuộc hành trình mà bất kì một nghệ sĩ nào cũng phải trải qua. Sự nổi loạn cuối cùng của Stephen là một ví dụ điển hình cho sự đấu tranh của thế hệ trẻ nhằm chống lại những giáo điều nhà thờ và những áp bức của xã hội: “Hoan nghênh, Ô cuộc đời (welcome, O life!) ta đương đầu với hàng ngàn thử thách để thu nhận cho mình những kinh nghiệm góp gom làm vốn sống, rèn giũa tâm hồn cho cuộc đua tranh mà cái ý thức chưa được khai sáng thuộc dòng giống ta”(37).
(Còn nữa– Xem tiếp Trang 8)