Cuộc đấu tranh tinh thần của Stephen là một sự giằng co trước hai sự chọn lựa hoặc chấp nhận hoặc rời bỏ cuộc sống này để hướng tìm một thế giới khác. Nhưng mỗi lúc như thế thì từ thẳm sâu trong tâm thức, ý nghĩ bản năng của một nghệ sĩ tài hoa đang tiềm ẩn trong anh thôi thúc anh tìm cách thoát ra. Và khi đó, anh lại nghĩ tời người cha già – người thợ già Deadalus trong thần thoại. Sự nổi loạn của Stephen chĩa mũi trực tiếp vào đông đảo những người phản đối ý tưởng giải thoát, tự do sáng tạo của anh. Một trong số đó là người bố của anh, Simon Dedalus. Ông là một người nghiện rượu, thất bại trong cuộc sống. Điều ấy hoàn toàn trái ngược với Daedalus trong huyền thoại xa xưa. Ông đã tự loại bỏ uy quyền của một người bố đối với con trai mình: “Stephen nhìn ba cốc rượu rót đầy đặt trên quày khi bố của anh cùng với hai ông bạn nhậu của ông ngật ngưỡng say và vùi sâu kí ức vào quá khứ”.(38). Sự khác nhau về tính khí và quan điểm sống đã dần tách anh xa với họ. Suy nghĩ của anh dường như già hơn họ rất nhiều: “bầu trời phủ một thứ ánh sáng lạnh lẽo lên những sự xung đột của họ, hạnh phúc và những hối tiếc như một thuở trăng gieo bóng mình trên mặt đất buổi sơ khai”(39). Sẽ chẳng có sự sống nào nếu như không có một sức trẻ đang căng trào trong anh vì trong anh luôn có một nhựa sống tràn trề. Anh đã biết trên đời này chẳng có cái gọi là tình bạn thân thiết hay sức mạnh tuyệt đối của đấng mày râu cũng như chẳng bao giờ có sự trung thành của phái nữ.
Người cha già Deadalus trong thần thoại của anh đã dùng đôi cánh kết từ lông vũ và sáp ong để thoát ra khỏi mê cung Crete tìm lại tự do cho mình và con trai, điều đó đã khiến Stephen hiểu ra rằng mỗi khắc trong ngày của anh được chia ra bởi những gì anh đánh giá bây giờ, như là những thứ nhiệm vụ cho bến đỗ của cuộc đời anh, vây quanh quỹ đạo năng lượng tinh thần của riêng nó. Cuộc đời anh dường như đã phải kéo dài đến vô tận; mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói và hành động hay ngay cả sự tỉnh táo cũng có thể được tạo ra bởi sự nhiệm màu từ ánh sáng thiên đường… Muốn được tự do, muốn có điều kiện để thực hiện sứ mệnh của một người nghệ sĩ đích thật thì không có cách nào khác hơn là Stephen cũng học theo Deadalus, “người cha già” tinh thần trong huyền thoại, làm một “vòng bay” thoát ra khỏi sự câu thúc từ cuộc sống. Để thực hiện vòng bay, anh phải tạo cho mình một đôi cánh và đôi cánh ấy là một đôi cánh bằng thơ. Anh quyết định làm một nhà thơ.
Bằng thủ pháp mờ hoá tạo cho độc giả luôn ở trong trạng thái phân vân với câu hỏi rằng Stephen là hiện thân, là mẫu hình của Icarus hay của Daedalus, Joyce đã kiểm soát được nhịp thở đều đặn của tác phẩm xuyên suốt qua từng tiết điệu hành động của các nhân vật, qua các chiều hướng vận động của ngôn ngữ tác phẩm thể hiện trên từng đặc điểm tính cách nhân vật, và xử lý nhuần nhuyễn huyền thoại Daedalus và Icarus tạo nên một thế giới của những mê lộ đan xen chồng lên nhau và lồng trong nhau. Đôi khi Stephen cảm thấy mình như Icarus, một đứa con mà nếu không có sự quản thúc của người cha thì có thể sẽ nhận lấy cái chết từ chính sự kiêu căng bướng bỉnh một cách ngu ngốc của mình. Ở đoạn cuối tác phẩm, anh ta có vẻ như đang cần một cái tên khác để gọi người cha tinh thần trong huyền thoại vì anh cảm thấy thích cái tên Daedalus hơn hẳn những danh xưng khác như “cha già”(old father), “người thợ già” (old artificer). Thậm chí ngay trong khoảnh khắc quyết định cao nhất, anh ta nghĩ rằng chính bản thân mình là hậu nhân chính thống của dòng họ Daedalus thông qua cái tên Dedalus của mình.
Ở giai đoạn sau, trong Ulysses, sau cái chết của mẹ anh ta, một người mẹ sùng đạo, Stephen đã từ bỏ cha mình và anh đi tìm một người cha tinh thần khác nằm ngoài gia đình. Điều đó lại là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi Bloom một người đàn ông Do Thái sống bằng nghề rao hàng quảng cáo, có đứa con trai tên là Rudy mới sinh ra đã chết. Cái chết của Rudy đã tạo nên một lỗ hổng lớn trong tâm hồn của Bloom, một lỗ hổng của tình phụ tử. Ông sống cô đơn trong nỗi nhớ con và niềm khát khao tìm một đứa con. Ông không cảm thấy hạnh phúc khi ở trong nhà mình. Vợ ông thì ngoại tình, còn đứa con gái thì có xu hướng giống mẹ nó. Nỗi đau của một người cha mất con, một người đàn ông bị vợ cắm sừng đã đưa bước chân Bloom lang thang trên phố Dublin vào ngày 16.VI.1904, cái ngày ông đã gặp được Stephen. Stephen luôn khát khao có được một người cha lý tưởng như trong huyền thoại, còn Bloom mong muốn có một đứa con trai ngoan. Và hai người đàn ông ấy đã gặp nhau và cả hai không có liên lạc trực tiếp qua lại nhưng họ đều cảm thấy mình đã có được những cái mà mình mong muốn. Từ sự gặp gỡ đó, hai người đàn ông sống can đảm hơn và ý muốn làm tươi mới cuộc sống của mỗi người trỗi dậy. Hoàn cảnh hai người đàn ông bất hạnh gặp nhau diễn ra rất tình cờ và đơn giản. Stephen bị ám ảnh về cái chết của mẹ. Trước khi chết, bà thiết tha muốn Stephen đọc kinh cầu nguyện cho bà, nhưng Stephen đã không thỏa mãn ước nguyện cuối cùng của một bà mẹ. Trong hoang mang, anh luôn thấy hình ảnh của mẹ hiện về với lời trách móc rằng anh không đọc kinh cầu nguyện cho bà nên bà không được siêu thoát. Anh sợ hãi tột độ, gào lên trong tiếng khóc: “Thưa mẹ, họ bảo con đã giết mẹ… Không phải con, đó là bệnh ung thư đã giết mẹ”(40). Rồi Stepen đã cuồng loạn đập vỡ cây đèn chùm. Bloom chứng kiến cảnh đó, liền xen vào can thiệp giúp Stephen khỏi bị dính tới pháp luật. Bloom dẫn Stephen ra ngoài phố, hai người chạy vội không chú ý nên va vào hai người lính và một cô gái. Stephen bị tên lính chửi bới lăng mạ và hắn đã đánh Stephen rơi xuống cống nước thải. Bloom đỡ anh dậy, trong lúc đó Stephen lẩm bẩm bài hát mà anh đã hát cho mẹ nghe lúc bà hấp hối. Tiếng hát ấy gợi cho Bloom nhớ lại hình ảnh đứa con Rudy yểu mệnh của mình. Ông đau buồn nhớ lại cảnh ra đi của đứa con bé nhỏ của mình, nhưng nhìn Stephen, lòng ông chợt ấm lại. Rudy của ông đã ra đi, và giờ đây Chúa Trời đã mang đến cho ông một đứa con khác. Ông đỡ Stephen dậy và đưa anh đến nhà của một người phu xe, lấy cho anh một tách cà phê và rồi hai người nói chuyện với nhau tới khuya. Cả hai tâm sự và nói chuyện với nhau rất ăn ý. Mặc dù chẳng phải là người giỏi giang gì cho lắm, nhưng Bloom có thể bàn luận với Stephen những vấn đề về văn chương, âm nhạc. Điều đó an ủi anh phần nào, anh cảm thấy “Bloom tiêu biểu cho bao nhiêu thế kỉ văn hóa Do Thái”(41), còn đối với Bloom, Stephen đã trở thành “tiền thân của tương lai”(42). Ông mời Stephen đến ở chung với gia đình ông nhưng Stephen đã từ chối và anh từ giã Bloom ra đi trong khi tiếng chuông nhà thờ St.George vang lên trong đêm khuya.
James Joyce nhấn mạnh đến quá mức những yếu tố tâm lý và đời sống thường ngày tủn mủn. Những chi tiết đó tạo ra cảm giác chán ghét trong Stephen Dedalus đối với thứ văn xuôi, thứ nghệ thuật tầm thường của sự sinh tồn hỗn mang vô ý nghĩa.
(Còn nữa– Xem tiếp Trang 9)