
Nguyễn Hữu Tình
1. Hoa cát nở ban chiều
Phan Thiết – góc nhỏ bến Cà Ty nghiêng chiều trong cái nắng hanh hao xứ cát. Cát như hơi thở của mùa gồm thâu nhật nguyệt, như sợi lông dồn tụ cả càn khôn. Trong không gian chông chênh nắng gió, cát đung đưa nở bung hoa ảnh. Ảo giác mắt người. Bước lãng du dừng lại sau dặm dài đất nước, chợt giật mình, người ngỡ lạc thiên nham. Hoa và cát. Cát hóa thiên nham. Hoa phi giữa sa mù nguyệt quang. Như một lần, nhất phiến hoa phi phi đáo thu giang hòa lục ngạn – sổ chi lê trước trước tòng xuân thảo biến thương sơn (Hạ Vũ), người về trong tâm thức thiên nham vạn hác vô nhân tích – Độc tự phi hành minh nguyệt trung (Ức Ông).
Người về hay người đến?
Người ở hay người đi?
Ở và đi, về và đến. Khác gì nhau trong khi hoa cát vẫn thắm màu. Màu hoa – sắc nắng đau đáu lòng thúc giục Cà Ty khởi từ Đồng Kho vắt mình qua Mường Mán đổ về cửa biển Cồn Chà như một dải lụa màu sương. Màu của nhớ. Màu của thương. Màu của bao lời lỗi hẹn. Màu chiều trong màu mắt, thu sắc hạ nở cỏ dại hoa hương.
Hoa cát nở trong chiều. Màu hoa không sắc. Nương theo gió, hoa lướt qua hồn người. Người cảm giác như đang chạm vào thiên nhiên, thiên nhiên trong từng nhịp rung mà mùa phập phồng đem hơi thở.
Hơi thở của cát đang phả vào lòng chiều đầy ráng hạ. Hơi thở của hoa đang ủ sắc cho đêm. Đêm thắp nắng cho hoa cát mỏng manh mang cái đẹp dung dị. Mỗi cánh hoa là mỗi phiến rung rinh. Hoa đẹp nhẹ nhàng tinh khôi như giấy trắng. Từ đó hoa giấy là tên. Và người Nhật gọi hoa là Phiệt Cát, loài hoa của của niềm đam mê sắc nắng. Hoa của sự lặng im, của huyền lãm. Người Nhật yêu hoa giấy, thưởng thức hoa giấy trong tâm thế là tựa vào cái huyền để mà nhìn, tựa vào im lặng để nhìn, tựa vào tánh không để suy, tựa vào cái bi để lãm. Cái bi (aware) của người Nhật – một mỹ cảm thực sự – không hề phát xuất từ sự sợ hãi và thương xót để đưa tới cảm thức thanh lọc, thanh tẩy (catharsis) như cái bi của người Hy Lạp mà nó phát xuất từ cái đẹp, tựa vào cái đẹp để chiêm ngắm vũ trụ và nhân sinh. Nó vận động tan hòa vào vũ trụ theo cảm thức vô thường cảm (mujokan) sinh ra cái mĩ cảm, sinh ra nỗi lưu luyến. Hoa giấy là sự luyến lưu ấy.
Mỗi bông hoa giấy phân thành ba cánh. Người Trung Quốc gọi hoa giấy là Tam giác mai – hoa mai ba cánh kết hình tình yêu sắc thắm, đẹp tinh khôi và giản chân, biểu trưng cho mối kết hòa vũ trụ tam vị nhất thể Thiên – Địa – Nhân trong quan niệm người phương Đông. Tam giác mai còn được gọi là Diệp tử hoa vì mỗi cánh hoa hình dạng như mỗi phiến lá. Hoa sinh từ lá. Lá chọn xanh nhường hoa màu rực rỡ. Là lá mà cũng là hoa. Hoa là lá nhuộm màu. Là Phiệt cát và cũng là mai. Hoa cao khiết mà bình đạm, lặng thầm. Cái lặng thầm trong ánh sáng cuối chiều. Màu nối màu, sắc kết sắc, tương hóa liên thông với tất cả những gì hiện hữu của đời trong cảm thức của người: mọi sự đã trở nên đẹp đẽ hoặc là niềm vui hoặc là những“nỗi đau làm người”.
Dừng chân ghé lại bên cung đường hoa giấy, thầm nhớ lời người trong Bóng trăng: “tôi muốn hạnh phúc. Hãy để tim tôi run lên bởi nắm cát vàng đang có trong tay, thay vì sự khổ công đằng đẵng đi tìm thứ gì đó ẩn dưới đáy sông” mà đưa tay vốc nước bến Cà Ty ngập trong bóng chiều. Bóng chiều đang khỏa lấp lấn dần không gian trong màu hoa giấy, phủ dòng Cà Ty, phủ lấy người, phủ lấy tôi, cuốn người và tôi vào một chiều không gian khác – không gian của cái đẹp – cái đẹp mộng mị sinh ra, chết đi và không ngừng tái sinh trong đầu óc người. Tôi như kẻ mơ, lạc bước trên bến mộng, không thể nào tìm được đường ra. Trong cõi huyền lãm ấy, ý thức của người, của tôi về sự có mặt của cái chết và như một hệ quả là cái hữu hạn của đời sống. Tôi cố hết sức vin vào cái hữu hạn này để tìm thấy ở đây những xung lực và ý nghĩa của sự sống còn.
Người và hoa tồn tại bên nhau giữa những chênh vênh được – mất, sinh tồn – hủy diệt, dựng xây – phá hủy. Cuộc sống giản đơn chỉ thế, không ngoài một điều khiếm khuyết lớn nhất của của đời với thực tại sống động chiều nay là ở chỗ nó tồn tại trong một không – thời gian vĩnh hằng. Cái vĩnh hằng của tạo hóa để lại những cái chết tự nhiên và không tự nhiên của những sinh mệnh bé mọn hằng thường. Hoa rơi. Lá rụng. Nước chảy. Người đi. Nó tỏa bóng lên đời người, lên những cánh hoa như lời giải thích ngầm ẩn và mơ hồ rằng vì sao tất cả mọi thứ trong chiều như mây trời, hoa, cát, bến Cà Ty và những cung đường… lại có thể trở nên đẹp, đẹp lạ lùng hay ít nhất nếu không phải là thế, thì nó cũng được cảm nhận như là cái đẹp: bởi vì hết thảy đều là hữu hạn, có đó rồi mất đi, như ngay lúc được sinh nó đã là vậy.
2. Đêm hóa ánh sao sương
Vòm lá, trời chiều bước hạ, gót Thu bên thềm.
Đêm vội, hoa cát lấp lánh. Riverside – quán nhỏ tìm về, như một lần… Em tròn tháng hạ… Chân trần phiêu du…xin được làm mây để bay khắp nơi…
Nhủ thầm, thôi một lần rong ruổi, bến nhỏ dừng chân đón đợi. Một ánh mắt. Một làn mây. Cơn gió chiều. Và những cung đường nhạt nhòa năm tháng. Dòng Mường Mán xanh bạc miên man. Mặt nước trải rộng với hàng triệu ánh đèn thuyền cá thắp sáng như trời sao gom về trên sóng Cà Ty.
Phan Thiết, đất biển mặn. Cái mặn mòi của nắng–gió–nước để lại cho người nước da bánh mật. Qua tháng, qua ngày, mồ hôi — kết thành muối mặn — trắng lưng cha (Thu Nở).
Lưng muối trắng và những cung đường hoa giấy vẫn lặng lẽ đêm về. Như cội mai già. Bóng đổ dồn về phía biển. Biển không ồn ào – đêm ấy – chỉ sụt sùi, tiếng gió….
Bao năm tháng tất bật xứ người, cơn khói bụi cuốn người đi miệt mài, ngay đến một khoảnh khắc cho riêng mình cũng là điều chưa thể. Đi đi về về, bước chân như vòng quay những chuyến tàu đêm, biết khi nao dừng lại.
Chạnh lòng buông bước, ngẫm lời Guillaume Apollinaire:
Lá rơi.
Người dậm.
Đoàn tàu.
Lăn bánh.
Đời người.
Chảy trôi
(Les feuilles.— Qu’on foule. — Un train qui roule. —La vie. — S’écoule).
Quyết định về xứ cát, người đã xếp hành trang cho một cuộc dừng chân. Dừng cho mình, dừng cho người và cho bao điều còn dang dở. Thì thầm bên sông. Bên trời một làn mây trắng lửng lờ trôi, nghe lao xao ngoài hiên vắng lá vàng rơi. Dù biết ngày mai, ngày mai nắng xuân không về, trên cành lũ chim vẫn u mê… Bàn tay nâng niu kỉ niệm, vỗ về giấc mơ… Người bảo dừng. Dừng là dừng, hay dừng là tiếp bước? Dừng là bước. Bước quay về cho kỉ niệm một thời: chim chóc gọi nhau, đường xưa, rừng chiều…cho cảm giác trở về thật trọn vẹn. Bước hồi hương cho nụ cười…bẽn lẽn đung đưa ánh mắt: chắc từ nay em sẽ thôi lang thang.
Dừng là một trạng thái lưỡng chiều lưỡng hợp, là kết và cũng là mở. Cái kết của cuộc dừng này là mở ra một cuộc kết mới. Ngày dừng mở ra đêm. Đêm dừng mở ra bình minh ngày mới. Đời người ly – hợp, thăng – trầm, vui – buồn, sinh ly – tử biệt…, như vòng quay đêm – ngày, mộng – tỉnh, như chu kỳ Xuân – Hạ – Thu – Đông. Kết thúc một cuộc đời này để mở ra một cuộc đời mới. Và trong cuộc mở ra ấy, một cuộc dạo chơi đầy mê đắm tiêu tốn ba vạn sáu nghìn ngày – con người ngay từ lúc vừa bắt đầu cuộc sinh ra, cũng là đã bắt đầu một kết thúc định sẵn: Tin buồn từ ngày mẹ cho... (Gọi tên bốn mùa, Trịnh Công Sơn)
Đời người như nhịp sóng. Lên xuống theo dòng triều. Lang thang.
Đời người như hoa cát. Nở tàn theo năm tháng. Phôi pha.
Đêm rùng mình đầy sương. Lắng nghe tiếng của sóng vang vọng từ xa. Xa lắm. Tự đếm cho mình những giọt thầm rơi mà ngơ ngẩn phân vân hai nửa cõi lòng – vòm tre, ngõ đá còn mong dấu người.
Bên dòng Cà Ty, nhịp bước chân mây. Sông tuôn dài buông bỏ lửng lờ đêm, không mênh mang, dằng dặc, không man mác, không đạm đạm Trường Giang thủy mà vẫn du du viễn khách tình.
3. Mai ửng hồng hoa giấy.
Đêm thức trọn đêm. Sương sao gom sắc. Cuộc bội sinh hợp hôn giữa mây trời và cát nóng nở hồng hoa giấy. Sớm mai ngàn sao – mắt cát, đơm màu ươm đọt nắng nâng bước chân lưu lãng hồn du mục người về.
Người về nhưng có lẽ không nặng nề cảm giác hồi hương của Hạ Tri Chương ở tuổi xế chiều: Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi. / Hương âm vô cải, mấn mao tồi. / Nhi đồng tương kiến, bất tương thức / Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai? (*), cũng không phải lạc lõng như Shane Gilreath: về nhà – mọi thứ –dường như xa lạ (2*), mà như tâm thức của Foucault khi viết lời tựa cho cuốn L’Anti – Oedipe, của Deleuze, rằng người “hãy chuộng lấy những gì lạc quan và đa dạng, chuộng khác biệt hơn là đồng dạng, lưu lãng hơn là đóng khép, biến chuyển hơn là hệ thống. Hãy tin rằng những thành tựu không đến từ ngồi yên mà từ hồn du mục”.
Hồn của cỏ. Cỏ bao mùa vẫn lãng du. Xanh ấp ủ và nở bồi hồi. Lang thang nắng, dọc dài mũi Né – một dải đường mây, hoa cát đủ màu điểm mặt…dâng trăng. Rằm tháng Hạ. Nắng mở mắt nghiêng nghiêng…
Nguyễn Hữu Tình
[Bài này là một trong số những bài viết lâu lắm rồi nhưng bị lãng quên – giờ post lại. Mong cả nhà đọc vui! ]
(*) 回鄉偶書
少小離家老大迴,
鄉音無改鬢毛衰。
兒童相見不相識,
笑問客從何處來。
(2*) “Coming home…
Nothing
Looks familiar”
(Shane Gilreath)
“Sợi lông dồn tụ cả càn khôn” – câu này thâm thúy quá Thầy! – Nhưng mấy nay đau đầu mất ngủ cả đêm không biết sợi lông này của ai? Biết đâu có khi của mình nhỉ…
Có thể lắm, Melona à.
Ngày xưa của mình đang trở về từ những dòng văn nhảy múa trước mắt.
Mỗi câu, mỗi chữ như những cánh hoa đang xoay tròn điệu vũ thời gian thả trôi trên cánh gió.
Văn như người. Mỗi bài sống một sinh mệnh riêng tư.
Đọc văn của “người Tình” là đang đọc lòng mình trong thổn thức…
Đời không vô tình có lẽ vì vẫn có những người đang lặng lẽ gieo tình vào mây gió trăng hoa…nên sớm sớm chiều chiều hàng triệu giọt sương vẫn đọng tình trên lá…
….cảm ơn người Tình của cỏ hoa!
Cảm ơn Kẻ đọc “chùa” thường xuyên đã ghé thăm và góp lòng gieo tình cho một thế giới ngập tràn hoa nắng…
Thiên đường của em đã vỡ theo cuộc tình chónh vánh ngày ấy. Cái ngày mà em bỏ tuổi thơ em cùng thế giới cỏ hoa….để theo trai…
Bao năm qua em cứ ngỡ sa mạc đã phủ lấp tâm hồn em rồi, vậy mà hôm nay đọc bài viết của thầy, em như tìm lại được những giọt nước mắt của mình đã một thời rơi rớt…
Em ước gì em được gặp Thầy và được làm học trò Thầy.
Samackhonghoa, Thiên đường không vỡ và chưa bao giờ vỡ, chỉ là tạm thời (vì một số vấn đề riêng tư như giá thuê cao, vì dịch bệnh lan tràn, vì tùm lum thứ vì khác… ) phải di chuyển mặt bằng và đóng cửa để bảo dưỡng bảo trì, cũng là để có thời gian ươm mầm đóa hoa lớn mang tên EM. Vui nhé!
Chiều dần buông! Ngựa nản chân bon, ta lại tìm về nơi dòng trôi bất tận…! Bỗng Quách Tấn, chàng trai cổ kính như bước ra từ rừng chiều mưa rơi cổ tích với nỗi sầu vạn cổ:”…sông nước say theo người tráng sỹ. Con đò quên cả chuyến sang ngang…! Cái “nhàn nhã” của “con đò” ở đây không giống “con đò” của cụ Ức Trai: “Dã kính hoang lương hành khách thiểu. Cô chu trấn nhật các sa miên.” (Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách. Con đò gối bãi suốt ngày ngơi!”. – Trại đầu xuân độ.
Cái khí khái còn vương lại của dĩ vãng 1 thời cổ điển, của Dịch thủy ca: Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn. Tráng sỹ nhất khứ hề, bất phục hoàn! Ôi Kinh Kha, thiên vạn niên qua vẫn là tráng sỹ: Thử địa biệt Yên Đan. Tráng sỹ phát xung quan. Tích thời nhân dĩ một. Kim nhật thủy do hàn. – Dịch Thủy tống biệt của cụ Lạc Tân Vương đấy!
Tôi thấy rõ cái view: Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê. Tráng sỹ một đi, ô, không trở về!
Người xưa là thế đấy! Một lời đã hứa là ” đi đứt luôn”!
“Ô hay buồn vương cây ngô đồng. Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông!,” Bích Khê của chúng ta buồn có khác! Đẹp thật! Romantics thật đấy!
À! Còn Nguyễn Trọng Tạo thật tuyệt với:”Sông Hương hóa rượu ta đến uống. Ta tỉnh, đền đài ngã nghiêng say!”
Không ! Cũng chưa đúng mạch cảm xúc này! Haiku của Basho thì sao nhỉ: “Quán bên đường. Các du nữ ngủ. Trăng và đinh hương.”
Về miền cát duyên hải đi, Bến Cà ty!
Gặp lại nỗi buồn phiêu dạt vẫn chưa dừng bước sông hồ! Không có “du nữ ngủ” trong đêm trăng. Chỉ có riêng độc hành khách trên miền cát vàng, của “biển cát hoang vu, đi giữa sa mạc mênh mông, mơ ánh mắt một con sông!…”
Tìm lại cuộc hành trình xuyên thời gian của tiền nhân, cuộc hành trình dài đẫm thi cảnh! Với “Hoa cát nở ban chiều. Với Đêm hóa ánh sao sương. Và “Mai ửng hồng hoa giấy.” Ngược thời gian và không gian. Chàng “Phược thủ” của chúng ta với hành trang đầy bụi đường, tìm lại một chữ TÌNH trong nhân thế bi hoan!
Không “viết” mà là “kết nối”. Không phải “thi phẩm” (poem), mà là “Cảm”. (Feelings), Không phải “Tả” mà là “quay” (recording), mà là Review.
“Xưa nay chỉ thấy người nay cười. Mấy ai biết được người xưa khóc!)
Cái thứ nước mắt hóa thành băng hà ngàn năm ấy (glaciers)
Vẫn độc hành, nhà thi-khảo cổ sỹ của chúng ta vẫn lang thang vô định, trên cõi nhân gian Hữu Tình và cũng hết sức Vô Tình.!
Tôi tạm mượn lời Thu Phong Dẫn của cụ Lưu Vũ Tích thay cho mạch cảm xúc Bến Cà Ty Nghiêng Chiều Hoa Giấy: ” Hà xứ thu phong chí. Tiêu tiêu tống nhạn quần. Triêu lai nhập đình thụ. Cô khách tối tiên văn.” (Gió thu xa thổi đến. Hiu hắt đàn nhạn bay. Gió sớm lùa trong lá. Cô đơn khách mới hay.” Đúng mạch “sầu vạn cổ” rồi đó.
So dây mãi mới lần được ra “tông” lạ của bản Tình ca của Hoa và Cát. Của Ánh sao đêm và Sương. Và của Sớm mai hồng và Hoa Giấy lửa.!!! Quý vị thấy chưa? Tôi từ các comments trước đã cảnh báo: Thi- văn của ẩn sỹ N.H.T không “dễ xơi” đâu!
Vẫn là hành trình Du hành xuyên thời gian (time travel), nhà Du hành thời gian này còn xuyên cả không gian, nhập thế, xuất thế, vào trong Định để Khảo Tình đấy!
Ôi thật là: Lá đào rơi rắc lối thiên thai. Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi. Nửa năm tiên cảnh. Một bước trần ai…… cửa động, đầu non, đường lối cũ. Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi! – Cụ Tản!
Thi-văn (văn đầy chất thơ), Cảm tràn ngập trong văn của ẩn sỹ N.H.T thật đẹp, thật romantics, thật music, thật classics, thật classical, (lãng mạn, nhạc tính, cổ điển, !), thật hình tượng, thật kết nối connected (móc xích liên hoàn, chuỗi dài không dứt, …. thật là Du hành thời gian và không gian. Tình thật là Tình ca!
Những cảm – trường- năng- lượng kết nối tầng thứ cao!