
Nguyễn Hữu Tình
Đường xưa gió lẻ rơi màu nắng
Nhuộm áo em bay sớm sương gầy
Chim trời neo cánh bờ mộng mị
Rỡn sóng bềnh bồng lượn tóc mây [*]
…………………………………………………..
Cuối Hạ, Sài thành, gác nhỏ rùng rình trong cơn mưa bụi. Hương trà non đọng vành mi. Khói sương xứ nắng xua màn đêm gọi bình minh trở giấc cũng xin một lần giăng mắt mịt mờ ‒ một trời mây nước.
Nước rơi trên lá. Mưa. Lá bay. Nước tan trong sương. Sương gieo sự tái sinh vào đất. Đất lặng lẽ ôm lòng thủy lưu lưu thủy mà kiến tạo giấc mơ xanh ‒ nơi tình yêu khởi đầu ‒ vũ trụ ru mình trải giọt ái ân thu về trong chén trà sương ủ hương hoa cỏ Rosemary ‒ loài hoa mang cái đẹp đến từ đại dương ‒ thiên đường của nước ‒ nơi khởi sinh sự sống, mãi phụng thờ cho ánh sáng bí pháp (Jésus) [1], gieo giấc mộng và thu hái mộng ‒ những mộng mị theo người mãi rong chơi trong giấc mơ-đời-tỉnh-thức như hư như thực, trôi dòng thổn thức.
Cái thổn thức của không gian‒ thời gian xuyến xao tao ngộ trong tiếng lòng ủ-hương, trong giấc mơ còn dang dở mang tên Hương Thảo (香草).
Hương Thảo đang ngái ngủ trong sương như cô gái xuân thì nũng nịu. Thướt tha gió, cành trải cành bung mở xanh mắt lá bẽn lẽn ngả nghiêng hoa.
Hoa bên hoa rung rinh tím. Màu tím của sự khiêm cung, gắn liền với ánh sáng và không khí — “được coi là thể hiện việc tri giác cái lương thức có mặt ở mọi nơi”, mang ý nghĩa của lòng bao dung, sự thủy chung, là biểu tượng của tình yêu và nỗi nhớ…
Nỗi nhớ (nostalgia) ‒ món quà của nữ thần Trí nhớ Mnemosyne ban tặng cho nhân loại và vạn vật sinh linh trong toàn cõi vũ trụ được định dạng trong hai hình thể vĩnh hằng là Ánh Sáng và Không Khí. Hai dạng thể song trùng tồn tại không thể tách xa nhau. Và từ lâu, nó đã thoát khỏi quyền năng kiểm soát của thần Aether rời cõi thần, nhập thế.
Ánh sáng và Không khí có mặt ở đâu thì nơi đó vạn vật và con người đều biết đến cảm giác nhớ nhung. Nỗi nhớ vừa vô hình lại vừa hữu hình như ánh sáng và không khí.
Cái vô hình vô thể của không khí làm nền cho cái hữu hình hữu sắc của ánh sáng. Ánh sáng được không khí truyền dẫn và lưu giữ. Không khí chính là môi trường của ánh sáng, của sự bay lên, của hương thơm, của sắc màu, của những rung động…là con đường giao lưu giữa đất và trời.
Ánh sáng có lúc mạnh lúc yếu, lúc tỏ lúc mờ. Không khí có nơi nhiều nơi ít, lúc đậm lúc loãng. Nỗi nhớ cũng theo đó mà luân chuyển đầy vơi.
Nỗi nhớ tự thân đã làm nên dấu nối đầy chênh chao giữa hiện tại và quá khứ, giữa những bào ảnh xa mờ mang tính ảo giác với hiện tại đang xảy ra trước mắt, giữa hư với thực, giữa tạo vật và tính ám thị.
Nỗi nhớ từ lâu không còn là đặc quyền đặc hữu của thần linh, do thần linh và chỉ có ở thần linh nữa.
Ở trần thế đầy thị phi này, qua ngày qua đêm, nỗi nhớ đi từ một ánh sáng hữu hình có bước sóng nằm trong vùng quang phổ nhìn thấy được bằng mắt thường của con người (tức là từ khoảng 380 nm đến 700 nm) dần tạo sinh và hóa thành một loại ánh sáng vô hình khác ― thứ ánh sáng được khơi dậy từ ngọn lửa lòng ẩn hiện trong trái tim của một người đang khát khao hướng tìm cảm giác hạnh phúc đã một thời và ở một nơi được lưu giữ trong kí ức, được phủ những sắc màu lãng mạn và hương thơm tự lòng ấp ủ từ những ngày xưa tươi đẹp. Nó đồng thời cũng tạo ra một kiểu không khí khác ― loại không khí không phải để hít thở mà để thắp lửa lòng tương tư giữa tình chàng và ý thiếp.
Tình và Ý như Ánh Sáng và Không Khí nở chúm chím những nụ cười tím ngây thơ trên cành rosemary ― loài hoa biểu trưng cho tình yêu nhục cảm, trần tục mà linh thánh đến từ nữ thần ái dục Aphrodite.
Aphrodite khởi sinh từ bọt biển (aphros), đi lên từ biển, thân thể nữ thần được bao bọc bởi hương thơm được chưng cất từ hoa và lá của rosemary và thần bước chân trần lên mặt cát. Thần đi tới đâu thì hoa mọc tới đó, trải thảm hương dưới chân thần. Từ đó, rosemary trở thành loài hoa tình yêu mang hương sắc của biển, là sương mai của biển.
Ý nghĩa “sương mai của biển” này được truy nguyên từ cái tên Rosmarinus /ˏrəʊsməʹrɑɪnəs/ trong tiếng Latin. Rosmarinus được ghép từ 2 yếu tố là ros /ˏrəʊz/ và marinus /məʹrɑɪnəs/. Ros là một danh từ có nghĩa là sương, sương mai và marinus là một tính từ có nghĩa là thuộc về biển. Rosmarinus ― sương mai của biển đến từ biển và mang theo nỗi nhớ về cái gọi là “mộng ban đầu” [the first dream of the so-called original Gaia].
Rosemary là cái mộng ban đầu ấy với vẻ đẹp kiêu sa nữ tính khởi đầu cho những khát khao của một tình yêu và nỗi nhớ theo trọn kiếp người.
Thuộc họ hoa môi (Labiatae), cánh hoa rosemary hợp thành môi trên và môi dưới tạo nên sự quyến rũ diệu kì nơi sắc đẹp gắn liền với sức hấp dẫn vô cực mà trời đất ban cho người phụ nữ, mang cái mỏng manh bé mọn đầy nữ tính phối sắc tình mi mảnh đưa hương. Từng cánh từng cánh khép mở song trùng bung mở sắc ý – hương tình. Tình và ý phối ngẫu vun vầy một cuộc mị dục ái ân duyên trần thế say ái thần.
Rosemary là cầu nối giữa thần và người, gắn kết cái đẹp vĩnh hằng linh thánh với cảm xúc thăng hoa, đột biến trong cái chớp mắt hữu hạn của kiếp người mà tự mình kiến tạo nên một thế giới của bao nỗi đắm say đầy hương và sắc. Đó là thế giới của Tình.
Hương thảo là tình. Một thứ mỹ tình vô cực, qua bao đời và từ bao đời, đưa người và thần mãi phiêu du cùng nỗi nhớ được dệt bằng hương — một thứ tinh chất đến từ thiên đường mà các thần thánh đã ban cho loài người để làm nên cái gọi là giá trị biểu thị của các đức hạnh (Origène)[2] kể từ ngày loài người bắt đầu bàn tay nâng trái cấm…[3].
Không là trái cấm, Rosemary là sắc và cũng là hương. Một thứ hương sắc diệu kì đến với người trong dáng hình bẽn lẽn: thực phi thực, hư phi hư, như một lần, em về, tay nắm lấy – hoa mướp vàng gởi nắng – khoảng trời xanh – mây trắng giấc miên du. Giữa không gian nhạt nhòa tinh sương, lá úp lá, sương đọng giọt, môi hoa khép mở duyên trời khơi gợi cảm xúc thăng hoa cho một tình yêu nhục cảm.
Rosemary đã trở thành biểu tượng và nghi thức cho một cuộc hôn phối vào thời Trung cổ ở châu Âu: cô dâu trong ngày cưới đội một vòng hoa rosemary trên đầu [4]. Chú rể cài cành rosemary trước ngực và quan khách mỗi người đều đeo một nhành rosemary.
Hoa rosemary nở tím ngát hương. Sắc mộng mơ và hương quyến rũ thay lời gọi mời một cuộc tình yêu đắm say và nỗi nhớ không bao giờ phai của đôi trai gái yêu nhau dù ở chân trời góc biển. Rosemary đem đến một thông điệp cho đôi tân lang và tân nương, một thông điệp được truyền lưu đời đời kiếp kiếp: Yêu nhau và luôn nhớ về nhau.
Niềm thương nhớ ấy, như lời Ophelia trong Hamlet (của Shakespeare): “Có hương thảo là có nhớ: nguyện cầu, yêu thương, tưởng nhớ”[5].
Người Tây Ban Nha có câu rằng: những người thờ ơ với mùi thơm của rosemary thì cũng không có hứng thú với bất cứ thứ gì khác trên đời [6]. “Hãy để đóa Hương Thảo này, đóa hoa của đàn ông – biểu thị cho trí tuệ, tình yêu và lòng trung thành của bạn, không chỉ mang theo trên tay, mà hiện hữu trong tâm trí và trái tim của bạn” (Robert Herrick [7]).
Huyền thoại xưa kể rằng, thuở sơ khai, rosemary không có tên. Thượng Đế chỉ ban cho nó màu hoa tím — màu của tình yêu, và lá màu trắng — màu của sự tiết trinh và đức hạnh, nhưng hoa vui quá không kịp đợi Ngài ban tên đã vội vàng reo ca bung hương tỏa sắc mà quên mất việc tạ ơn Thượng Đế. Ngài giận nên giả vờ quên không ban cho nó một cái tên.
Người đời không biết nó tên gì, chỉ gọi là flowers-of-love-and-virtue (hoa của tình yêu và đức hạnh).
Rồi một hôm, khi Đức Mẹ Maria (hay còn gọi là Mary) bế Đức Chúa Jesus cùng thánh Joseph chạy sang Ai Cập hòng trốn sự truy đuổi của quân lính của vua Herodes I (74/73 TCN-4 TCN). Trên đường đi, Đức Mẹ đã để lại áo choàng của mình lên bụi rosemary lúc giờ là flowers-of-love-and-virtue đang mọc bên bờ vực. Trong bóng đêm, màu trắng của nó sẽ dễ khiến cho chiếc áo bị phát hiện, nên loài hoa nhỏ đã tự chuyển màu lá trắng sang xanh để hòa màu bóng tối che dấu cho Mẹ Maria và Đức Chúa. Mẹ Maria nở nụ cười hiền từ và nhỏ nhẹ nói: Cảm ơn con, đóa hồng bé nhỏ! (Thanks, my little roses!). Kể từ đó, flowers-of-love-and-virtue được người đời gọi là Rose of Mary hay Rosemary – đóa hồng của Mẹ Mary – lặng lẽ tồn sinh, hòa nhịp thời gian, kết nhịp rung vũ trụ với giai điệu tâm hồn. Lá ôm màu đất nở hoa màu xanh tím — màu lưu luyến của ái thảo lưu ly — Forget-me-not — nở chênh vênh, ươm cõi mộng, ôm giấc mơ hương nép mình trên lá, như cái cách mà người Trung Quốc mến gọi là Mê Điệt Hương (迷迭香) — loài cây hương tỏa ra từ lá. Hương thơm quyện vào gió lan xa, phủ giăng khắp không gian, đem đến cho người một thứ mê hương mộng mị rót đầy ứ cốc rượu tình và ánh sắc ái ân.
Sài thành sớm mưa, cả khu vườn nhỏ như biến thành “thành quốc hương thơm làm kiểu mẫu cho những hình ảnh huyễn tưởng, ảo tưởng, những công trình kiến tạo phi thực” [8].
Là phi, là vô nhưng thực còn hơn mọi cái thực của đời. Là hương mà cũng là sắc. Hương của cây, của lá. Sắc của đất, của trời. Sắc hương hòa vào nhau. Phi hương thị hương. Phi sắc thị sắc. Sắc hương trong cơn mộng thực.
Mộng là ảo thực chi gian. Thực là mị ảnh chi tại. Mộng – Thực phù trầm vui buồn một cõi mơ hoa.
Hoa rơi rơi nắng, thu sắc trời trong khoảnh khắc – bồng bềnh mây, lang thang gió,…thinh thảng bay, đưa bóng trúc về ngõ hạnh,…treo giọt sương, đỉnh lá nặng càn khôn…
Hương thơm là sự hiện thân, là bản thể thoát thai từ ánh sáng, như lời nhà văn Victor Hugo viết “hương thơm là ánh sáng” – là biểu hiện đầu tiên của thế giới phi hình. Đi vào thế giới này – một thế giới ngập tràn hương sắc, con người từng bước nhận ra mình hư vô trong hình thể và cảm giác, tan trong cảm giác, tan trong hư vô. Còn lại trong thành quốc này là thứ ánh sáng – nhận thức được tri giác bằng linh giác trực tiếp. Hương Thảo mang đến cho người cái linh giác ấy – một thứ aura [9] sinh tạo từ “sự kết hợp của không khí và ánh sáng”, ẩn hiện, tan trong vạn vật, tan trong hương, trong sương, hoà vào lòng sớm, thinh nhẹ trôi. Những làn trôi huyền bí đong đầy những cảm xúc đẹp nhất và sâu sắc nhất mà chúng ta có thể trải qua (A. Einstein), khát khao hướng tìm về những giấc mơ.
Trong cuộc hành trình làm người, dòng đời nổi trôi lấp đầy những phi lí, phi lí tiếp nối phi lí như mưa tiếp mưa qua trời, người với người tìm nhau như trò chơi ú tim, đuổi hình bắt bóng. Người tỉnh thức giữa cơn mơ mộng mị lần giở từng trang mộng mị để tìm cho mình giấc mộng đời đang say ngủ trong một làn hương.
Như một làn hương, tóc rối gieo bóng rùng rình bên bờ cỏ, nở thẹn thùng hoa nhỏ cho ai đó cười bâng quơ khiến cánh gió giật mình rớt hạt…trôi hoa…trôi hương.
Hương của đất. Hương của trời. Hương cỏ hoa ứa lệ xanh thầm trong sớm mưa dày, ở một nơi―nơi có một người không biết hát. Chỉ có nỗi cô đơn tự hát cùng mưa, hoa rơi và lá rụng. Mưa hát ― hát cho mình và cho cuộc đời bằng giọt. Từng giọt ngắn dài, theo chiều dài của làn hương, đan kín không gian, ru người trong cơn miên man vũ khúc. Vũ khúc mưa ―ta gọi bức tranh đời ― được vẽ bằng tiếng hát, được dệt bằng thanh âm của nước ― bản hòa âm phối giữa sắc màu và giai âm. Giai âm vẽ mộng cho người ngắm. Người ngắm tiếng ca. Tiếng ca vỡ ra trăm ngàn mảnh nhớ. Từng mảnh mỏng manh khép mộng. Tiếng ca rơi rớt giữa vùng trời giá lạnh, điểm lạnh giữa lòng mưa. Từng giọt mưa hao gầy– gầy hơn cả một giọt sương mai.
N.H.T
…………………………………………………………………..
Chú thích:
[*] Những dòng thơ, hay đoạn thơ được in nghiêng không đánh dấu ngoặc kép ( ” ” ), không chú tên tác giả thì xin quí vị hiểu và tin rằng đó là của tác giả bài viết.
[1], [8] Từ Điển Biểu Tượng Văn Hóa Thế Giới, trang 462, 565
[2] Origenes ( /ˈɒrɪdʒən/; tiếng Hy Lạp: Ὠριγένης, Ōrigénēs), hoặc Origenes Adamantius (Ὠριγένης Ἀδαμάντιος, Ōrigénēs Adamántios; 184/185 – 253/254), là một học giả thần học giai đoạn sơ khai của Kitô giáo. Ông sinh ra và sống nửa đầu sự nghiệp tại Alexandria. Ông là một nhà thần học với nhiều tác phẩm bằng tiếng Hy Lạp trong nhiều lĩnh vực của thần học, bao gồm phê bình văn bản, khoa chú giải và giải thích Kinh Thánh, thần học triết học, giảng thuyết, và linh đạo. Ông bị Công đồng Constantinopolis II sau này phản đối. Không giống các giáo phụ khác, ông không được tuyên thánh do một số tư tưởng của ông đối nghịch với giáo huấn được cho là của các tông đồ, nhất là của Phaolô và Gioan. Tư tưởng của ông về sự tiền hiện hữu của linh hồn, sự hòa giải sau cùng của mọi thụ tạo, bao gồm cả ma quỷ, và sự thấp kém của Chúa Con so với Chúa Cha bị Kitô giáo chính thống bác bỏ.
[3] Bài thơ Bắt đầu, tác giả: Trần Viết Dũng.
[4] Thời Trung cổ châu Âu nói chung và ở Tây Ban Nha nói riêng, trong đám cưới, các vương miện và vòng hoa được tết từ cây Hương Thảo, và rồi các bài thơ ngắn, hoặc những bản ballad đầy mê hoặc của Troubadours (khoảng 1100 – 1350) đề cập đến Hương Thảo với tên gọi là coronariaaria. Anne of Cleves (1515 – 1557), người vợ thứ 4 của Henry the Eighth, đeo vòng hoa hương thảo trong đám cưới của họ. Vào thời điểm đó, các cặp cô dâu giàu có cũng sẽ tặng một nhánh hương thảo mạ vàng cho mỗi khách dự tiệc cưới.
[5] “There’s rosemary, that’s for remembrance; pray,love, remember.” LAERTES (Hamlet, act 4, scene 5 – page 106)
[6] Câu ngạn ngữ Tây Ban Nha “That men who are indifferent to the scent of rosemary are likely to be insensitive about other pleasures”
[7] Robert Herrick (1591-1674 ) là nhà thơ người Anh đã viết về hoa Rosemary trong thơ của mình: “Let this Rosemarinus, this flower of men, ensigne of your wisdom, love and loyaltie, be carried not only in your hands, but in your heads and hearts.”
[9] aura /ʹɔ:rə/ có nghĩa là hương toát ra (từ hoa), là tinh hoa phát tiết (của người). Nó là một trường điện từ bao quanh con người và vạn vật có sức hấp dẫn mạnh và ảnh hưởng lớn đến những cá thể xung quanh.
Con người dù có tài giỏi đến đâu, khoa học dù có tiến bộ đến đâu, thì cũng không thể tạo ra Sinh mệnh, sinh mệnh đến từ đâu? Tất cả sinh mệnh trên hành tinh này đến từ đâu? Có từ bao giờ? Ai đưa chúng đến quê hương trái đất này? Câu hỏi lớn không lời đáp!
Hương Thảo (rosemary) cũng là 1 sinh mệnh không ngoại lệ trên cõi đời này!
Hòa lẫn với nắng sớm, sương chiều, mưa đêm, qua ngày, qua tháng năm ưu trầm hay vội vã, Hương thảo đã kết nối tương thông 1 trường năng lượng của tình yêu, tình người, của trí huệ nhân gian, của 1 sinh mệnh cao cấp từ thảo mộc với trí huệ của người tu luyện!
Hóa thân của Hương Thảo đời này, kiếp này trên cõi đời này phải chăng là hiện thân của Mỹ (Beauty), với Huệ (Intellectual), là hợp nhất tri kỉ giữa Tâm (hành giả: người tu thiền định, cũng chính là tác giả, là người tu luyện, ẩn sỹ), Khí (trời đất, nắng sớm, sương chiều), và Thần (ở đây là linh hồn của sinh mệnh Hương Thảo rosemary!!!)
Tác phẩm là kết tinh của Trí tuệ cao cấp, nhà văn đã tiến vào cảnh giới của Thiền định, kỳ lạ là nhà văn viết văn lại luôn ở Trong Định để viết văn, thế giới được cảm nhận khác lạ và tinh kỳ khi nhìn từ góc độ giác giả! Thật khó mà thưởng thức tác phẩm này khi độc giả nào còn đang chìm đắm trong cõi dục u minh! Tầng thứ của Hương Thảo thật cao và thật hiếm!
Hữu Tình Tiên Sinh, những bài Tiên Sinh viết có tầng thứ cao, mang tính quy luật vũ trụ, nhân sinh quan đa dạng, Lão đây luôn chờ lúc hữu đủ duyên thì thưởng thức, không cưỡng cầu đọc vội được, nên đôi khi lão nhân gia ta chỉ cưỡi hạc lướt qua Thảo lư cùng gia trang tu tập của Tiên Sinh dạo chơi nhưng không dám ghé vào dùng trà mà chờ lúc có tâm thế (inspiration) thì mới đến đàm đạo và thưởng thức văn phong như ngâm sinh mệnh mình trong một ly trà ngon!
Những bài viết của Tiên Sinh ngày nay khiến độc giả không “dễ xơi” tý nào! Ngài là DỊ KHÁCH. Xưa nay ngài khác người, tự kiến tạo cho mình một lối sống, cũng như 1 phong cách viết bất cần độc giả, không màng đến danh lợi, bất cầu sự ca tụng. Sinh mệnh của ngày, sinh mệnh của văn – thơ- thư họa -ca âm của ngài đến từ 1 chữ Hữu Tình, mà đã là Tình thì lão đây chờ hội đủ cơ hội để Ngộ, để Cảm! Thiệt tình lão phu không muốn dùng lý trí, kiến thức học đường thông thường của các giáo viên dạy văn cấp 2, 3,… thậm chí là Giảng viên đại học để phân tích, phân téc gì đó… Hãy đợi lúc hoàng hôn xuống hoặc lúc bình minh lên, thưởng trà, tâm và cảnh tịnh hoàn toàn, thì cũng là lúc thăm Thảo lư…mới sướng!
Đông Tây cổ kim, đã có nhiều người viết về loài hoa này, nhưng viết hay như Hữu Tình tiên sinh, lần đầu mới thấy. Bài viết thâu gom cả Càn Khôn Nhật Nguyệt, Tình và Ý, Âm Thanh và Ánh Sáng, Hương và Sắc… Ngửa cổ kêu “Rosemary” còn sướng hơn kêu “Shakuntala”!
Ha ha…. Phieuson bây giờ đã hóa thành Diệp Lạc.
Xưa giờ vào đọc “chùa” riết thành thói quen, quen rồi tới khi muốn viết gì đó thì lại không biết phải viết gì.
– Viết hay quá thì sợ người ta bảo mình lấn át tác giả (nói xàm xí đú cho vui ha.ha….)
– Viết dở thì người ta sẽ bảo viết thế thì tốt nhất đừng viết…
Thôi thì góp cùng người 1 bản Scarborough fair – lời Việt – ca sĩ Don Hồ hát.
https://www.youtube.com/watch?v=1vwNy503GmQ
My heart is still bleeding………….for this song. Once listening to this one, I can’t manage my feeling to think of you. The feeling of loneliness suddenly overwhelmed me.
This song and this tree remember me to one who lives there . He once was a true love of mine.
https://www.youtube.com/watch?v=zBIqLqUenz0
Nửa đêm con vào blog của Thầy đọc và xem lời bình mà thấy trong lòng vui ghê, có nhiều sự dễ thương quá ạ!
Và con thêm vào một trong số những sự dễ thương ấy. -:) . Chữ viết con nay tiến bộ nhiều rồi. Vui nhé!
Dạ vâng ạ, con cảm ơn Thầy!
Em có nhớ ngày xưa học đại học có một cô bạn tặng cho 1 chậu cây này nhân ngày sinh nhật. Lá rất thơm, nhưng thực sự là em không biết trồng nên cho nó tắm mưa mấy bận thế là nó ngỏm củ tỏi. Cô bạn biết được giận cho 1 trận mấy tuần không nhìn mặt. Giờ đọc bài của Thầy, chợt nhoi nhói lòng… Ngày đó, có biết đâu ý nghĩa của loài cây này hay thế. Mà chắc cô bạn đó cũng chẳng biết. Nếu hắn biết thì ngụ ý hắn muốn trao gởi mình điều gì ? – làm tình nhân của mình ư? Chắc là không rồi, hắn ngu toán, dốt văn, chẳng có tí thông minh gì về nghệ thuật nên chắc chẳng thể nào có ý định trao thân gởi phận cho cái thằng suốt ngày chui cống như mình….
https://www.youtube.com/watch?v=PJH7l5WjJKE&feature=emb_rel_pause
Rất vui gặp em.
Gặp lại Cô, thật sự là niềm vui lớn! Cô vẫn như ngày nào….vẫn là sự thách thức trước sức mạnh thời gian…. Chúc Cô sức khỏe và hẹn gặp lại Cô!
Ola, cảm ơn em rất nhiều. Bài viết của em đầy cảm xúc với tâm hồn nghệ thuật và tình yêu!