
Người Chậm (*) – giữa nhịp điệu hối hả
John Maxwell Coetzee (sinh ngày 9 tháng 2 năm 1940 tại Cape Town, Nam Phi) – là nhà ngôn ngữ học, nhà phê bình văn học, dịch giả nổi tiếng, tiểu luận gia và là tiểu thuyết gia theo trường phái văn học hậu hiện đại đồng thời. Ông vinh dự được trao giải Nobel văn học năm 2003. Tác phẩm được nhắc đến nhiều nhất phải kể đến là những tiểu thuyết (đã được dịch sang tiếng Việt): Life & Times of Michael K (Đời sống và thời đại của Michael K), Disgrace (Ruồng bỏ), Age of Iron (Tuổi sắt), Trong lòng đất nước (giữa miền đất ấy)… và Slow Man (Người chậm)…
Bị cuốn vào vòng quay bất tận cõi người, chúng ta đang lao vào nhịp sống hối hả mỗi ngày để sinh tồn, để mưu cầu những giá trị sống tốt đẹp, nhưng liệu có khi nào chúng ta sống chậm lại, hay dừng lại để nhìn lại mình và nhận ra chúng ta mãi vẫn là những con người lo âu, lạc lối trên hành trình tìm về với nhân tâm, nhận ra người và nhận ra mình trong người và trong bản thân mình dường như luôn “bị mắc kẹt trong tấm lưới vô tận của nỗi tuyệt vọng” (Eric Bulson) mà thế giới giăng ra.?!
Người chậm của John Maxwell Coetzee là lời nhắc nhở ấy. Tác phẩm một trong những cú hích đánh động mỗi người chúng ta suy ngẫm về quy luật sinh – lão – bệnh – tử, về nỗi cô đơn của con người trong hành trình đuổi hình bắt bóng tìm về giá trị cái tôi của mình giữa những hữu hạn đời sống, giữa vòng vây của những thị phi…
Cho chúng ta cái nhìn khác của một kiểu người “Người trong bao” (Chekhov), John Maxwell Coetzee đã chọn điểm nhìn thâu hóa, dung hợp những đối lưu trong cảm thức – tư tưởng nhân loại thông qua nhân vật chính Paul Rayment – một biểu tượng của sự cô đơn tuổi già, của sự lạc lõng tột cùng cho kiếp người đánh mất ký ức, quê hương và thực tại. Sự tồn tại của nhân vật chỉ vin vào chấp niệm từ những mảnh vỡ quá khứ rời rạc còn sót lại trong lòng.
Nếu Kafka khuyên chúng ta nên viết về bất hạnh với những từ của hạnh phúc, Jane Reichhold đã từng nói với độc giả của mình rằng “tôi viết về nhục cảm bằng ngôn ngữ của tình yêu…” thì John Maxwell Coetzee chọn lấy những ngôn từ khô- chắc – gọn (lắm lúc gọn đến cộc) để tinh tế xây dựng nên những khát khao nhục cảm trong lòng Paul Rayment cho một mối tình đơn phương và tuyệt vọng dành cho Marijana – cô gái mù lòa gốc Croatia.
Và với đề tài nhục cảm, Người chậm đem lại cho người thưởng thức những cái nhìn khác, những cảm giác khác, những suy vấn giữa những giá trị cốt lỗi hiện với giấc mơ thầm kín, giữa thái độ và tâm tư, giữa đối mặt và ẩn ức, giữa quá khứ và sự đổi thay…từng chút từng chút gieo vào lòng chúng ta những cái nhìn lạ, những ấn tượng lạ, cảm giác lạ về cuộc đời, nhân tình thế thái, và về những giấc mơ nhân sinh.
Có giấc mơ sẽ mãi lưu giữ trong hồn, có ấn tượng sẽ nhanh chóng trôi qua theo thời gian mà dòng thời gian cứ như nước chảy mây trôi và rồi một ngày cái còn đọng lại sẽ chỉ là những gì đúng với bản chất của cái đẹp.
Vượt không gian – thời gian trên hành trình tiếp nhận, Người chậm kết cấu 30 chương ngắn dài liên tiếp nhau là một dòng sông nhiều khúc quanh co gấp khúc nổi trôi cùng thân phận nhân vật Paul Rayment, tiếp biến in dấu sự trôi chảy của cá tính – nhân tâm qua mắt riêng nhìn của nhà văn John Maxwell Coetzee lặng in nên lịch sử tâm hồn dân tộc nhiêu thương vong, mất mát. Thông điệp mà Người chậm gởi đến chúng ta như một lời nhắn nhủ cho dòng sông đang chảy trong lòng mỗi người chúng ta mà 2 bờ phân dòng thiện ác. Dòng sông ấy sẽ cạn nguồn nếu thiếu sự riêng lòng trong “quầng sáng vô hình của sự sống” (G. Ohsawa, Hoa đạo )
Chú thích:
(*) Nhân đọc tiểu thuyết Người Chậm của John Maxwell Coetzee, Người Dịch Thanh Vân, NXB NXB Lao Động, Năm XB 2021, Kích Thước Bao Bì 20.5 x 13 cm, Số trang 384, Hình thức Làm Mềm.
lâu lắm mới thấy thầy post bài trên trang.
Thầy sử dụng ngôn ngữ xuất sắc thật. Mỗi người như tìm thấy mình trong những dòng chữ ấy. Có thể tác phẩm không dễ đọc cho lắm nhưng em sẽ thử.